BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 03/2024

17:44 | 05/03/2024
BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 03/2024
(TỪ NGÀY 21.02.2024 – 05.03.2024)
VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
 
1. Thông tư 02/2024/TT-BTC - Bãi bỏ 07 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 02/2024/TT-BTC bãi bỏ toàn bộ 07 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính, có hiệu lực kể từ ngày 25/02/2024.
Bao gồm:
- Thông tư 88/2018/TT-BTC quy định một nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư và chi phí lựa chọn nhà đầu tư;
- Thông tư 08/2016/TT-BTC quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;
- Thông tư 108/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một điều của Thông tư 08/2016/TT-BTC quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;
- Thông tư 52/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một điều của Thông tư 08/2016/TT-BTC quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn ngân sách nhà nước; Thông tư 108/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một điều của Thông tư 08/2016/TT-BTC;
- Thông tư 107/2018/TT-BTC quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư các dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn đầu tư công của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài;
- Thông tư 12/2017/TT-BTC hướng dẫn trình tự, thủ tục hỗ trợ vốn đầu tư thiết bị của dự án triển khai ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường;
- Thông tư 180/2014/TT-BTC quy định việc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn ứng trước của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện dự án di dân, tái định cư điện hạt nhân Ninh Thuận.
 
2. Quyết định 316/QĐ-BTC - Thời gian trình Quốc hội thông qua dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)
Nội dung đề cập tại Quyết định 316/QĐ-BTC  của Bộ Tài chính về thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh điều chỉnh năm 2024 và Chương trình xây dựng văn bản hướng dẫn luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), có hiệu lực từ ngày 26/02/2024.
Theo đó, Bộ Tài chính phân công các đơn vị chủ trì soạn thảo và tham gia soạn thảo các luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh điều chỉnh năm 2024 tại Phụ lục 1, Phụ lục 2 kèm theo.
Đởn cử, đối với dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) giao Cục QLGS CST là đơn vị chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thuế, Vụ Pháp chế và đơn vị liên quan:
- Chậm nhất trước ngày 15/02/2024 trình Bộ Tài chính;
- Chậm nhất trước ngày 29/02/2024 trình Chính phủ;
- Tháng 03/2024: Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để:
+ Cho ý kiến trước khi trình Quốc hội;
+ Cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý;
+ Tiếp tục cho ý kiến về một số vấn đề lớn (nếu có)
- Tháng 5/2024: Trình Quốc hội cho ý kiến;
- Tháng 10/2024: Trình Quốc hội thông qua dự án Luật.
Trách nhiệm thủ trưởng các đơn vị được giao chủ trì soạn thảo các luật, văn bản QPPL
Theo Quyết định 316/QĐ-BTC năm 2024, Thủ trưởng các đơn vị được giao chủ trì soạn thảo các luật, văn bản quy định chi tiết thi hành luật có trách nhiệm:
Tuân thủ trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại:
- Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
- Quy chế xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính ban hành kèm theo Quyết định 72 /QĐ-BTC ngày 20/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
- Công văn 131 /PC-TH ngày 15/7/2019 và công văn 65 /PC-TH ngày 06/9/2021 của Vụ Pháp chế hướng dẫn triển khai công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Đặc biệt là đối với các văn bản thuộc nhóm xây dựng nội dung chính sách và lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải tập trung nguồn lực, chủ động trong tổ chức triển khai các công việc thuộc quy trình, tránh để xảy ra tình trạng chậm tiến độ.
Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản được dẫn chiếu tại Quyết định này sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng các văn bản mới thì áp dụng theo các văn bản mới.
Thủ trưởng các đơn vị được giao phải thực hiện đúng tiến độ xây dựng, trình ban hành và bảo đảm chất lượng văn bản được giao soạn thảo.
Chậm nhất vào ngày 20 hàng tháng hoặc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền, đơn vị được giao chủ trì soạn thảo báo cáo tình hình soạn thảo các văn bản gửi Vụ Pháp chế để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ.
 
3. Nghị định 23/2024/NĐ-CP - Chính thức có Nghị định quy định về lựa chọn nhà đầu tư với dự án phải tổ chức đấu thầu
Chính phủ ban hành Nghị định 23/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực, có hiệu lực từ ngày 27/02/2024.
Bao gồm:
- Khoản 6 Điều 6 về bảo đảm cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư;
- Khoản 6 Điều 10 về ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư;
- Khoản 3 Điều 15 về chi phí lựa chọn nhà đầu tư;
- Khoản 4 Điều 35 về phương thức lựa chọn nhà đầu tư;
- Khoản 3 Điều 46 về quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư;
- Khoản 5 Điều 50 và điểm c khoản 2 Điều 84 về quy trình, thủ tục, chi phí, lộ trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư qua mạng; cơ sở dữ liệu quốc gia về lựa chọn nhà đầu tư; trường hợp không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;
- Khoản 5 Điều 62 về phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu;
- Khoản 2 Điều 73 về nội dung hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh;
- Khoản 4 Điều 86 về kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư;
- Khoản 4 Điều 88 về xử lý tình huống trong lựa chọn nhà đầu tư;
- Khoản 2 Điều 96 về quy định chuyển tiếp.
Trong đó, đối tượng áp dụng Nghị định 23/2024/NĐ-CP bao gồm:
- Tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 23/2024/NĐ-CP .
- Tổ chức, cá nhân có hoạt động đấu thầu không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 23/2024/NĐ-CP được chọn áp dụng Luật Đấu thầu 2023 theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Đấu thầu 2023.
 
4. Nghị định 24/2024/NĐ-CP - Chính thức có Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu
Chính phủ ban hành Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu 2023 về lựa chọn nhà thầu, có hiệu lực từ ngày 27/02/2024.
Phạm vi điều chỉnh của Nghị định 24/2024/NĐ-CP như sau:
- Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu 2023 về lựa chọn nhà thầu, bao gồm:
+ Khoản 6 Điều 6 về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu;
+ Khoản 6 Điều 10 về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu;
+ Khoản 3 Điều 15 về chi phí trong lựa chọn nhà thầu;
+ Khoản 4 Điều 19 về năng lực, kinh nghiệm của thành viên tổ chuyên gia, tổ thẩm định;
+ Khoản 2 Điều 20 về các hình thức lựa chọn nhà thầu khác;
+ Khoản 7 Điều 23 về chỉ định thầu;
+ Khoản 4 Điều 29 về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt;
+ Khoản 4 Điều 36 về kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu cho dự án;
+ Khoản 2 Điều 39 về nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu;
+ Khoản 8 Điều 43 về quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu;
+ Khoản 1 và khoản 5 Điều 50 về lựa chọn nhà thầu qua mạng;
+ Khoản 7 Điều 53 về mua sắm tập trung;
+ Khoản 3 và khoản 4 Điều 55 về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế;
+ Khoản 4 Điều 67 về ký kết hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn;
+ Khoản 6 Điều 70 về sửa đổi hợp đồng;
+ Khoản 2 Điều 84 về trách nhiệm quản lý nhà nước về đấu thầu;
+ Khoản 4 Điều 86 về thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu;
+ Khoản 5 Điều 87 về xử lý vi phạm;
+ Khoản 4 Điều 88 về xử lý tình huống trong đấu thầu.
- Các biện pháp thi hành Luật Đấu thầu 2023 về lựa chọn nhà thầu, bao gồm:
+ Đăng ký trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;
+ Thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu;
+ Thẩm quyền quyết định việc mua sắm đối với dự toán mua sắm;
+ Công khai thông tin trong hoạt động đấu thầu;
+ Quản lý nhà thầu.
- Việc lựa chọn nhà thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công theo hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ.
 
5. Nghị quyết 25/NQ-CP - Chính phủ thống nhất nội dung đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 25/NQ-CP về đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 27/02/2024.
Theo đó, Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung tiếp thu, giải trình, chỉnh lý hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tại Tờ trình số 25/TTr-BTC ngày 06/02/2024 của Bộ Tài chính và hồ sơ liên quan kèm theo, cụ thể:
- Nghiên cứu, chưa bổ sung vào Chính sách 5 của Đề nghị xây dựng Luật nội dung mới về phương pháp tính thuế hỗn hợp đối với mặt hàng rượu, bia bảo đảm phù hợp với Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ và cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO;
- Tiến độ trình dự án Luật như sau:
(i) Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024 tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5 năm 2024);
(ii) Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10 năm 2024) và thông qua dự án Luật tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5 năm 2025).
 
6. Nghị định 02/2024/NĐ-CP - Quy định chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN
Nghị định 02/2024/NĐ-CP chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam, có hiệu từ ngày 01/3/2024.
Theo đó, công trình điện là tài sản công được chuyển giao theo quy định tại Nghị định 02/2024/NĐ-CP gồm:
- Công trình điện là tài sản công tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội (tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị);
- Công trình điện là tài sản công giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (tài sản công tại doanh nghiệp);
- Công trình điện thuộc dự án hạ tầng kỹ thuật được đầu tư bằng vốn nhà nước do Ban Quản lý dự án, cơ quan, tổ chức, đơn vị làm chủ đầu tư (công trình điện thuộc dự án hạ tầng kỹ thuật được đầu tư bằng vốn nhà nước);
- Công trình điện thuộc hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trong các dự án khu đô thị, khu dân cư và dự án khác do chủ đầu tư phải bàn giao lại cho Nhà nước theo quy định của pháp luật;
- Công trình điện được xác lập quyền sở hữu toàn dân có nguồn gốc ngoài ngân sách nhà nước (bao gồm cả phần giá trị công trình điện tăng thêm do tổ chức, cá nhân đầu tư, cải tạo, nâng cấp trên công trình điện hiện hữu của đơn vị điện lực) do các tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam thông qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo hình thức không hoàn trả vốn và đơn vị điện lực thống nhất tiếp nhận (công trình điện có nguồn gốc ngoài ngân sách nhà nước);
- Công trình điện được xác lập quyền sở hữu toàn dân có nguồn gốc hình thành từ dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và được các bên thỏa thuận chuyển giao cho đơn vị điện lực theo hợp đồng dự án theo quy định của pháp luật hoặc được cấp có thẩm quyền quyết định giao cho đơn vị điện lực thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận (công trình điện được đầu tư theo phương thức đối tác công tư).