BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 06/2019

15:43 | 16/06/2019

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 06/2019

1.         Đính chính một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm (sau đây gọi là Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP):

Ngày 05/06/2019, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông báo đính chính lại Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP do phát hiện sơ suất trong khâu đánh máy nên có sai sót về kỹ thuật. Theo đó, một số quy định được đính chính như sau:

1. Đính chính Ví dụ 2 điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP như sau:

“Ví dụ 2: Ngày 01-01-2003, ông A cho bà B vay 100.000.000 đồng (hợp đồng vay không kỳ hạn), lãi suất thỏa thuận là 08%/năm. Ngày 01-01-2018, ông A khởi kiện yêu cầu bà B trả gốc và lãi theo hợp đồng...”.

2. Đính chính điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP như sau:

“Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả theo lãi suất nợ quá hạn của Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm trả nợ tương ứng với thời gian chậm trả.

Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả = (nợ gốc quá hạn chưa trả) x (lãi suất nợ quá hạn của Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm trả nợ) x (thời gian chậm trả nợ gốc)”.

2.         Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ

Ngày 13/06/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2019/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ. Trong đó, có một số nội dung đáng chú ý sau:

- Trường hợp có hành vi gian lận, lừa dối để nhận được hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ tương ứng, mức phạt tiền tối đa lên tới 40 triệu đồng, thay vì mức 30 triệu đồng như quy định cũ.

- Với hành vi chuyển giao công nghệ không lập hợp đồng bằng văn bản mức phạt tiền từ 12 - 20 triệu đồng. Mức phạt với hành vi này tăng lên 30 triệu đồng nếu có gian lận, lừa dối trong việc lập hợp đồng chuyển giao công nghệ.

- Mức phạt cao nhất 50 triệu đồng sẽ áp dụng với cá nhân có hành vi chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam thuộc Danh mục công nghệ cấm chuyển giao.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/08/2019. Với hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm 01/08/2019 mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định có lợi cho tổ chức, cá nhân.

3.         Mất thẻ Bảo Hiểm Y Tế (“BHYT”) vẫn có thể được thanh toán tiền khám chữa bệnh

Ngày 10/06/2019, Bộ Y Tế ban hành Thông tư 09/2019/TT-BYT về thẩm định điều kiện ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT ban đầu và một số trường hợp thanh toán trực tiếp chi phí trong khám chữa bệnh BHYT. Theo đó, người bệnh bị mất thẻ BHYT mà chưa được cấp lại nên không xuất trình được thẻ trước khi ra viện, chuyển viện trong ngày thì có thể làm thủ tục đề nghị cơ quan BHXH thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Việc thanh toán trực tiếp này còn được áp dụng trong các trường hợp sau:

- Đã tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp KCB trái tuyến) nhưng chưa được thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở;

- Trường hợp dữ liệu thẻ BHYT không được cung cấp hoặc cung cấp không chính xác về thông tin thẻ bảo hiểm y tế;

- Trường hợp người bệnh không xuất trình được thẻ BHYT trước khi ra viện, chuyển viện trong ngày do tình trạng cấp cứu, mất ý thức hoặc tử vong;

- Các trường hợp quy định tại điểm a và b khoản 2 Điều 31 Luật bảo hiểm y tế được sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/08/2019.

 

 

.