Bản tin pháp luật số 02 - Tháng 10/2018

18:17 | 01/11/2018

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 02 - THÁNG 10/2018

1.         Doanh nghiệp phải tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động ít nhất 01 lần/năm

Ngày 17/10/2018, Bộ LĐ-TB&XH ban hành Thông tư 17/2018/TT-BLĐTBXH quy định về tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp phải tổ chức tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động ít nhất mỗi năm 01 lần nhằm đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật lao động và có giải pháp cải tiến tuân thủ. Cụ thể như sau:

- Thời gian kiểm tra: Do doanh nghiệp quyết định;

- Thời kỳ kiểm tra: Từ ngày đầu tiên tháng một dương lịch của năm trước đến thời điểm kiểm tra;

- Nội dung tự kiểm tra: Việc thực hiện báo cáo định kỳ; tuyển dụng và đào tạo lao động; giao kết và thực hiện hợp đồng lao động...;

- Hồ sơ tự kiểm tra: Phiếu tự kiểm tra; kết luận tự kiểm tra; văn bản thành lập đoàn tự kiểm tra và các tài liệu, hồ sơ phát sinh.

- Báo cáo kết quả kiểm tra: Doanh nghiệp phối hợp với đại diện tập thể lao động thực hiện báo cáo trực tuyến khi có yêu cầu của cơ quan Thanh tra lao động.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.

2.         Chậm nhất đến ngày 01/01/2020: Sẽ phát hành thẻ Bảo hiểm y tế (“BHYT”) điện tử

Ngày 17/10/2018, Chính phủ đã ban hành nghị Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế. Theo đó, chậm nhất đến ngày 01/01/2020 cơ quan bảo hiểm xã hội phải có trách nhiệm thực hiện phát hành thẻ bảo hiểm y tế điện tử cho người tham gia bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, Nghị định cũng làm rõ những quy định sau:

- Đối với mức đóng của nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình thì được giảm trừ mức đóng khi các thành viên tham gia bảo hiểm y tế cùng tham gia trong năm tài chính.

- Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì được mức hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/12/2018.

3.         Thời gian thử việc không được tính hưởng trợ cấp thôi việc

Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 148/2018/NĐ-CP được ban hành vào ngày 24/10/2018 nhằm sửa đổi, bổ sung Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động. Theo đó, thời gian người lao động (“NLĐ”) đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động (“NSDLĐ”) khi tính trợ cấp thôi việc, mất việc làm bao gồm:

- Thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ theo hợp đồng lao động;

(Quy định này không còn tính thời gian thử việc, học nghề, tập nghề của NLĐ là thời gian làm việc để chi trả trợ cấp)

- Thời gian được NSDLĐ cử đi học;

- Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định;

- Thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động - bệnh nghề nghệp mà được NSDLĐ trả lương theo quy định;

- Thời gian nghỉ hàng tuần, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo Điều 110, 111, 115 và Khoản 1 Điều 116 Bộ luật lao động;

- Thời gian nghỉ việc để hoạt động công đoàn;

- Thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định mà được NSDLĐ trả lương;

- Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của NLĐ; thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo Điều 129 Bộ luật lao động.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2018.

4.         18 biểu mẫu thực hiện thủ tục đầu tư ra nước ngoài

Ngày 17/10/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư 03/2018/TT-BKHĐT về mẫu văn bản thực hiện thủ tục đầu tư ra nước ngoài. Chi tiết 18 mẫu văn bản được ban hành kèm theo Thông tư xem tại đây.

Thông tư nàyBKHĐT có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2018 và thay thế Thông tư 09/2015/TT-BKHĐT ngày 23/10/2015.

5.         Sửa quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ ngân hàng

Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 25/2018/TT-NHNN được Ngân hàng nhà nước ban hành ngày 24/10/2018.

Theo đó, khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ vay thì được tổ chức tín dụng xem xét cơ cấu lại thời hạn nợ và cho vay mới, cụ thể:

- Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng và đánh giá của tổ chức tín dụng về khả năng trả nợ của khách hàng (bổ sung quyền đề nghị của khách hàng);

- Thời gian cơ cấu lại phù hợp với chu kỳ kinh doanh của khách hàng nhưng tổng thời gian tối đa không vượt quá thời hạn cho vay vốn ban đầu theo hợp đồng tín dụng đã ký (không còn giới hạn số lần cơ cấu);

- Sau thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, khách hàng không trả được nợ vay thì tổ chức tín dụng thực hiện phân loại nợ đối với khách hàng theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước;

- Cho vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2018.

6.         Dự thảo nghị định đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo Nghị định về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Dự thảo quy định các nội dung về điều kiện đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf, thủ tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf. Dự kiến văn bản ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, kinh doanh sân golf.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến quy định 7 hành vi bị cấm trong hoạt động này, cụ thể như sau:

- Hành vi xây dựng sân golf khi chưa có quyết định chủ trương đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.

- Hành vi sử dụng đất sân golf không đúng mục đích.

- Kinh doanh sân golf và các dịch vụ liên quan không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, nghị định này và pháp luật có liên quan.

- Hành vi lợi dụng kinh doanh sân golf để tổ chức hoạt động đánh bạc trái phép.

- Cản trở hoặc không chấp hành công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

- Không cung cấp thông tin hoặc không báo cáo khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.

- Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.

Chi tiết dự thảo vui lòng xem tại đây.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/11/2018, thay thế Thông tư 140/2015/TT-BQP ngày 16/12/2015.

7.         Dự thảo hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và chuyển nhượng vốn nhà nước theo phương thức dựng sổ

Hiện nay,  Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và chuyển nhượng vốn nhà nước theo phương thức dựng sổ.

Dự thảo có nêu: phương thức dựng sổ là quá trình tạo lập, tiếp nhận và ghi lại nhu cầu mua cổ phiếu của nhà đầu tư để xác định giá hiệu quả đối với đợt phát hành chứng khoán ra công chúng, bao gồm phát hành lần đầu và phát hành thêm ra công chúng.

(i) Đối tượng mua cổ phần phát hành lần đầu theo phương thức dựng sổ của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, bao gồm:

- Nhà đầu tư chiến lược. Trường hợp cần thiết bổ sung điều kiện lựa chọn nhà đầu tư chiến lược có cùng ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, Ban chỉ đạo cổ phần hóa báo cáo Cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt trong phương án cổ phần hóa;

- Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;

- Nhà đầu tư trong nước theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP; 4. Nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.

(ii) Những đối tượng không được mua cổ phần phát hành lần đầu: Các tổ chức, cá nhân không được mua cổ phần phát hành lần đầu theo phương thức dựng sổ của doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.

Ngoài ra, dự thảo cũng hướng dẫn về việc xây dựng phương án bán cổ phần lần đầu theo phương thức dựng sổ và việc triển khai phương án bán cổ phần lần đầu. Chi tiết toàn văn dự thảo, vui lòng xem tại đây.

8.         Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật cạnh tranh

Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh về thị trường liên quan và thị phần; thoả thuận hạn chế cạnh tranh; lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền; kiểm soát tập trung kinh tế; tố tụng cạnh tranh và chính sách khoan hồng.

Dự thảo này quy định rõ cách thức xác định thị trường sản phẩm và thị trường địa lý liên quan, cụ thể tập trung vào các vấn đề sau đây:

- Về xác định thị trường sản phẩm liên quan;

- Đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thoả thuận hạn chế cạnh tranh;

- Mức thị phần của các doanh nghiệp tham gia thoả thuận;

Chi tiết của Dự thảo vui lòng xem tại đây.