BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 02 - THÁNG 11.2019
BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 02 - THÁNG 11/2019
1. Phạt Chủ đầu tư (CĐT) đến 01 tỷ nếu chậm nộp hồ sơ làm sổ cho người mua nhà
Ngày 19/11/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, theo đó, trong thời hạn 50 ngày kể từ thời điểm bàn giao căn hộ cho người mua thì chủ đầu tư phải làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận cho người mua trừ trường hợp người mua đề nghị tự làm thủ tục.
Trong trường hợp chủ đầu tư không nộp hồ sơ hoặc không cung cấp, cung cấp không đầy đủ giấy tờ để người mua tự làm thủ tục theo quy định nêu trên sẽ bị phạt tiền và yêu cầu khắc phụ hậu quả tùy theo thời gian và mức độ vi phạm.
Mức phạt cao nhất áp dụng đối với thời gian từ 12 tháng trở lên:
- Phạt từ 100.000.000 đến 300.000.000 đồng nếu vi phạm dưới 30 căn hộ;
- Từ 300.000.000 đến 500.000.000 đồng nếu vi phạm từ 30 đến dưới 100 căn hộ;
- Từ 500.000.000 đến 01 tỷ đồng nếu vi phạm từ 100 căn hộ trở lên.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05/01/2020 và thay thế Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014.
2. Một số quy định mới khi sử dụng Ví điện tử từ ngày 07/01/2020
Ngày 22/11/2019, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 23/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán. Theo đó, khi sử dụng Ví điện tử khách hàng (chủ Ví điện tử) phải tuân thủ các quy định sau:
- Chỉ được nạp tiền vào Ví điện tử từ:
+ Tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng tại ngân hàng;
+ Nhận tiền từ Ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử mở.
- Mục đích sử dụng Ví điện tử để:
+ Thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp;
+ Chuyển tiền cho Ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử mở;
+ Rút tiền ra khỏi Ví điện tử về tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng tại ngân hàng.
- Nghiêm cấm hành vi sử dụng Ví điện tử để thực hiện các giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác…
Ngoài ra, Thông tư 23 cũng bổ sung quy định khi cá nhân mở ví phải cung cấp các thông tin như Căn cước công dân hoặc CMND hoặc hộ chiếu còn thời hạn, giấy khai sinh (đối với cá nhân là công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi)…
Luật gia Bùi Tường Vũ, Giám đốc THƯ VIỆN PHÁP LUẬT nhận định: “Việc yêu cầu người mở ví điện tử phải cung cấp thông tin cá nhân là hợp lý, bởi ví điện tử là phương thức thanh toán không dùng tiền mặt nên cần có thông tin cụ thể của người dùng để tránh tình trạng một người mở hàng chục tài khoản ví cho các mục đích vi phạm pháp luật”.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 07/01/2020.
3. Tiêu chí xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam
Ngày 22/11/2019, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 33/2019/TT-BCT về việc quy định Hệ thống tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Theo đó, Hệ thống tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam gồm Tiêu chí xây dựng, thẩm định, phê duyệt đề án thuộc Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Tiêu chí xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Cụ thể, Tiêu chí xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam (tổng điểm tối đa của Tiêu chí là 1000) bao gồm:
- Tiêu chí chất lượng (tối đa 300 điểm), trong đó: Áp dụng, duy trì hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) ISO 9001 (tối đa 60 điểm); Có đầy đủ Bản sao Phiếu tiếp nhận công bố hợp quy, chứng chỉ chứng nhận hợp quy/Bản sao tiêu chuẩn công bố áp dụng cho sản phẩm cộng thêm chất lượng đạt tiêu chuẩn cao hơn mức tiêu chuẩn quy định của Việt Nam (tối đa 60 điểm)…
- Tiêu chí đổi mới, sáng tạo (tối đa 180 điểm), trong đó: Có chính sách khuyến khích sáng tạo rõ ràng, đầy đủ, có quy trình đánh giá và công nhận kết quả sáng tạo công khai, minh bạch (tối đa 40 điểm); Có giải thưởng sáng tạo (tối đa 20 điểm)…
- Tiêu chí năng lực tiên phong (tối đa 520 điểm), trong đó: Nội dung tầm nhìn rõ ràng, súc tích, dễ hiểu và thực tế, đồng thời phần giải thích nội dung tầm nhìn phù hợp với chiến lược của doanh nghiệp và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp (tối đa 20 điểm)…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 08/01/2020.