Bản tin pháp luật số 1 - tháng 06/2017
BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 1 – THÁNG 6/2017
1. Điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp với thị trường
Đây là một trong những nội dung nổi bật được đề cập tại Nghị quyết 11-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Theo đó, Ban chấp hành Trung ương Đảng nêu ra các nhiệm vụ để hoàn thiện thể chế phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường, như là:
- Rà soát và điều chỉnh khung giá quyền sử dụng đất (sau đây gọi gọn là giá đất) phù hợp với thị trường ở từng địa phương.
- Cải cách mạnh mẽ các chính sách tài chính về đất đai theo hướng đơn giản, ổn định, công khai, minh bạch và công bằng.
- Nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về thuế tài sản, nhất là về đất đai, bất động sản.
- Xác định giá đất theo cơ chế thị trường thông qua đấu giá, đấu thầu các dự án có sử dụng đất, thỏa thuận mua bán trên thị trường; áp dụng phổ biến việc xác định giá đất thông qua các tổ chức thẩm định giá độc lập, chuyên nghiệp…
2. Hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng.
Ngày 06/6/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng.
Theo đó, về cơ cấu Hội đồng quản trị (HĐQT) ngoài đảm bảo sự cân đối giữa các thành viên có kiến thức và kinh nghiệm về pháp luật, tài chính và lĩnh vực hoạt động kinh doanh của công ty còn xét tới yếu tố về giới.
Đồng thời, tư cách thành viên của HĐQT có sự thay đổi so với quy định hiện hành như sau:
- Từ ngày 01/8/2020, Chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm chức danh Giám đốc (Tổng giám đốc) của cùng 01 công ty đại chúng (hiện tại vẫn cho phép nếu được phê chuẩn hàng năm tại Đại hội đồng cổ đông thường niên);
- Từ ngày 01/8/2019, thành viên HĐQT của 01 công ty đại chúng không được đồng thời là thành viên HĐQT tại quá 05 công ty khác.
Nghị định 71/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/8/2017.
3. Sắp có cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu với DNNN
Đây là nội dung nổi bật được đề cập tại Nghị quyết 12-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước.
Theo đó, chậm nhất đến năm 2018 sẽ thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và cổ phần, vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, Ban chấp hành Trung ương Đảng còn đặt ra nhiều mục tiêu khác trong việc cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp, như là:
- Đến năm 2020, hoàn thành thoái vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, tham gia góp vốn.
- Đến năm 2030, hầu hết các doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu sở hữu hỗn hợp, chủ yếu là doanh nghiệp cổ phần; phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước quy mô lớn để có thể cạnh tranh với khu vực và quốc tế về một số ngành, lĩnh vực chủ chốt…
Đồng thời, Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 đề cập cụ thể đến nhiệm vụ và giải pháp thực hiện cơ cấu đổi mới doanh nghiệp nhà nước.