Bản tin pháp luật số 2 - tháng 02/2018

11:14 | 05/04/2018

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 2 – THÁNG 2/2018

1. Quy định về ngày nghỉ bù của NLĐ trực phòng chống thiên tai

Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 31/2017/TT-BNNPTNT quy định về thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với NLĐ làm việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai.

Theo đó, người lao động thực hiện chế độ thường trực 24/24 giờ được nghỉ và được hưởng nguyên lương như sau:

- Thường trực vào ngày thường: được nghỉ bù một ngày vào ngày làm việc sau phiên thường trực.

- Thường trực vào ngày nghỉ hàng tuần, ngày lễ, tết được nghỉ bù hai ngày vào ngày làm việc sau phiên thường trực.

Ngoài ra, người lao động thực hiện chế độ thường trực nếu do yêu cầu công việc mà không thể bố trí nghỉ bù, sẽ được nhận tiền lương làm thêm giờ tương ứng với số giờ vượt quá thời gian làm việc:

- Ngày thường: số giờ làm thêm tương ứng là 12 giờ.

- Ngày nghỉ hàng tuần, ngày nghỉ lễ, tết: số giờ làm thêm tương ứng là 24 giờ.

Lưu ý: Số thời gian không nghỉ bù và được trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động trong trường hợp trên không tính vào quỹ thời gian làm thêm giờ trong năm.

Thông tư 31/2017/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 20/02/2018.

2. Hướng dẫn xác định chi phí dịch vụ công ích đô thị

Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư 14/2017/TT-BXD về hướng dẫn xác định và quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị.

Theo đó, việc xác định chi phí trực tiếp (gồm chi phí vật liệu, chi phí nhân công và chi phí sử dụng xe, máy, thiết bị thi công) được hướng dẫn như sau:

Chi phí trực tiếp = Σ  Khối lượng của từng loại công tác dịch vụ công ích đô thị x Đơn giá của từng loại công tác dịch vụ công ích đô thị

Trong đó:

- Khối lượng của từng loại công tác dịch vụ công ích đô thị được xác định trên cơ sở kế hoạch theo định kỳ hoặc nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.

- Đơn giá của từng loại công tác dịch vụ công ích đô thị bao gồm đơn giá vật liệu; đơn giá nhân công; đơn giá sử dụng xe, máy, thiết bị thi công (xem chi tiết tại khoản 2 của phụ lục 2).

Thông tư 14/2017/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2018.

3. Hướng dẫn cấp giấy tờ hưởng chế độ thai sản cho lao động nữ

Bộ Y tế ban hành Thông tư 56/2017/TT-BYT quy định chi tiết một số điều của Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.

Theo đó, hướng dẫn cấp một số loại giấy chứng nhận (GCN) hưởng chế độ thai sản sau đây:

- Cấp GCN nghỉ dưỡng thai, việc chứng nhận nghỉ dưỡng thai thực hiện như sau:

+ GCN nghỉ dưỡng thai đối với đối tượng là lao động nữ mang thai đã nghỉ việc trong trường hợp điều trị ngoại trú theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 kèm theo Thông tư này;

+ GCN nghỉ việc hưởng BHXH đối với đối tượng là lao động nữ mang thai đang đóng BHXH bắt buộc trong trường hợp điều trị ngoại trú theo mẫu quy định tại Phụ lục 7;

+ Biên bản giám định y khoa thực hiện theo mẫu tại Phụ lục kèm theo Thông tư 52/2016/TT-BYT đối với trường hợp do Hội đồng Giám định y khoa cấp;

+ Giấy ra viện theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này.

- Cấp GCN không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh hoặc sau khi nhận con do nhờ mang thai hộ.

Ngoài ra, Thông tư 56 cũng hướng dẫn hồ sơ khám giám định để xác định lao động nữ không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh hoặc sau khi nhận con do nhờ người mang thai hộ hoặc phải nghỉ dưỡng thai.

Xem thêm chi tiết tại Thông tư 56/2017/TT-BYT (có hiệu lực từ ngày 01/3/2018).