Bản tin pháp luật số 2 - tháng 3/2015
BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 2 – THÁNG 3/2015
1. Điều kiện chọn dự án theo hình thức đối tác công tư
Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Theo đó, các dự án do Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh đề xuất muốn được lựa chọn thực hiện theo hình thức đối tác công tư phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
- Phù hợp với lĩnh vực đầu tư quy định tại Điều 4 Nghị định này;
- Có khả năng thu hút và tiếp nhận nguồn vốn thương mại, công nghệ, kinh nghiệm quản lý của nhà đầu tư;
- Có khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên tục, ổn định, đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu của người sử dụng;
- Có tổng vốn đầu tư từ 20 tỷ đồng trở lên, trừ dự án đầu tư theo hợp đồng O&M và dự án công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/4/2015.
2. Danh mục thiết bị dạy nghề trọng điểm
Ngày 25/02/2015, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội ban hành danh mục thiết bị dạy nghề trọng điểm cấp độ quốc gia trình độ trung cấp nghề, trình độ cao đẳng nghề cho các nghề:
- Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính;
- Quản trị mạng máy tính;
- Kỹ thuật xây dựng;
- Cắt gọt kim loại;
- Hàn;
- Công nghệ ô tô;
- Điện dân dụng; điện công nghiệp;
- Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí;
- Điện tử dân dụng;
- Điện tử công nghiệp;
- May thời trang;
- Nghiệp vụ nhà hàng - quản trị nhà hàng;
- Kỹ thuật chế biến món ăn.
Nội dung trên được đề cập tại Thông tư 06/2015/TT-BLĐTBXH và có hiệu lực từ ngày 10/04/2015.
3. Nghị định mới về quản lý chi phí đầu tư xây dựng
Ngày 25/3/2015, Chính phủ ban hành Nghị định32/2015/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Theo đó, có một số quy định đáng chú ý sau:
- Nội dung tổng mức đầu tư xây dựng gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (nếu có); chi phí xây dựng; chi phí thiết bị; chi phí quản lý dự án; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng; chi phí khác và chi phí dự phòng cho khối lượng phát sinh và trượt giá.
- Việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chi phí đầu tư xây dựng phải được thực hiện theo các căn cứ, nội dung, cách thức, thời điểm xác định tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng, dự toán gói thầu xây dựng, định mức xây dựng, giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng của công trình.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/5/2015 và thay thế Nghị định số 112/2009/NĐ-CP.
4. Đơn giá nhân công xây dựng 2015
Từ ngày 15/5/2015, cách xác định đơn giá nhân công (ĐGNC) trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng sẽ được thực hiện theo Thông tư 01/2015/TT-BXD. Theo đó, ĐGNC được xác định theo công thức:
GNC = LNC x HCB x 1/t
Trong đó:
- GNC: ĐGNC tính cho một ngày công trực tiếp sản xuất xây dựng.
- LNC: Mức lương đầu vào để xác định ĐGNC cho một ngày công trực tiếp sản xuất xây dựng (theo Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này).
- HCB: Hệ số lương theo cấp bậc của nhân công trực tiếp sản xuất xây dựng công bố tại Phụ lục số 2 kèm theo Thông tư này.
- t: 26 ngày làm việc trong tháng.
ĐGNC theo hướng dẫn tại Thông tư này sử dụng để xác định tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng,… để cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở xác định giá gói thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu.
5. Khai thác khoáng sản phải cải tạo, phục hồi môi trường
Nghị định 19/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo vệ môi trường 2014 quy định mọi tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải có phương án cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Tuy nhiên, các trường hợp sau đây không phải lập phương án cải tạo, phục hồi:
- Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích ranh giới của dự án đầu tư xây dựng công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác chỉ sử dụng cho xây dựng công trình đó;
- Hộ gia đình, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình trong diện tích đó.
Nghị định 19 có hiệu lực từ ngày 1/4/2015.
6. Chính phủ đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh
Trong năm 2015, 2016 Việt Nam sẽ có các biện pháp cụ thể nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh trong môi trường kinh doanh. Cụ thể:
- Năm 2015:
+ Rút ngắn thời gian nộp thuế xuống không quá 121,5 giờ/năm và thời gian nộp bảo hiểm xã hội không quá 49,5 giờ/năm.
+ Tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 95%; doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt tối thiểu 90%.
+ Thời gian thực hiện các thủ tục khởi sự kinh doanh tối đa 6 ngày; thời gian cho thủ tục phá sản doanh nghiệp giảm từ 60 tháng xuống còn tối đa 30 tháng.
+ Thời gian tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp tối đa 36 ngày.
- Năm 2016:
+ Đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian xin cấp phép xây dựng tối đa không quá 77 ngày.
+ Rút ngắn thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản xuống còn không quá 14 ngày.
Và cùng nhiều mục tiêu khác được nêu tại Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ.