Diễn đàn Doanh nghiệp: Nhà ở cho công nhân: Xóa bỏ định kiến

11:59 | 06/11/2014

(DĐDN) - Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong tổng số 2,1 triệu công nhân đang làm việc trực tiếp tại các khu công nghiệp trên cả nước, chỉ mới 20% có chỗ ở đủ điều kiện, ổn định, số còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm tại các phòng trọ do tư nhân quản lý.


Mô hình nhà ở cho công nhân của Viglacera được đánh giá cao

Vướng đủ thứ

Theo quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 tổng số công nhân, lao động tại các khu công nghiệp đạt khoảng 7,2 triệu người. Số công nhân, lao động tại các khu công nghiệp cả nước có nhu cầu về chỗ ở đến năm 2020 là khoảng 4,2 triệu người, tương đương khoảng 33,6 triệu m2 nhà ở.

Bộ Xây dựng cho biết, đến nay cả nước đã có 63 dự án nhà ở xã hội cho công nhân hoàn thành đầu tư xây dựng với quy mô xây dựng khoảng 17.430 căn hộ; hiện đang tiếp tục triển khai 39 dự án nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng 27.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 6.850 tỷ đồng.

Tuy nhiên, con số này còn rất khiêm tốn so với nhu cầu thực tế về nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp bởi số liệu một cuộc khảo sát mới nhất tại các khu công nghiệp cho thấy mới chỉ có khoảng 20% công nhân lao động có chỗ ở ổn định, số còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm tại các phòng trọ do tư nhân quản lý. Các phòng cho thuê, trọ của tư nhân hầu hết đều rất chật hẹp, diện tích sử dụng bình quân chỉ từ 2 - 3m2/người, điều kiện vệ sinh, môi trường và an ninh trật tự không đảm bảo. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp chính là nhiều khu công nghiệp được hình thành nhưng chưa bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân; việc đầu tư nhà ở cho công nhân thuê đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và dài hạn, trong khi lãi suất vay để đầu tư cao, thời gian thu hồi vốn dài nên các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư.

Ngoài ra, thủ tục đăng ký thuê trọ vào ở còn phức tạp, các công trình phụ trợ, hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong các dự án nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu công nghiệp còn hạn chế cũng chính là rào cản khiến nhiều dự án nhà ở cho công nhân đã hoàn thành còn nhiều chỗ trống không có người thuê như hiện nay.

Tiên phong đổi mới

Câu chuyện doanh nghiệp không mặn mà xây dựng nhà ở cho công nhân và công nhân không có nhu cầu ở tại khu công nghiệp chỉ tồn tại ở một số doanh nghiệp, trong đó có không ít doanh nghiệp tiên phong đổi mới trong vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân. Điển hình như Viglacera. Công ty đã rất chú trọng đầu tư nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp. Do vậy chất lượng cuộc sống của công nhân được nâng lên, an sinh xã hội của người lao động được đảm bảo, sự gắn kết của người lao động với doanh nghiệp được đảm bảo. Nhờ vậy, doanh nghiệp ổn định sản xuất - kinh doanh, công nhân gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Tất cả những yếu tố đó đã tạo ra một lực hút hấp dẫn với các nhà đầu tư đến với các khu công nghiệp, nhà máy của Viglacera.


Khu tắm nóng lạnh, xông hơi, giặt sấy dành cho công nhân của Viglacera Hạ Long

Ông Nguyễn Năng Hoạch - Chủ tịch Công đoàn Viglacera Hạ Long cho biết, việc xây dựng nhà ở cho công nhân đồng bộ, hiện đại xuất phát từ nhu cầu thực tế của công nhân. Đây là những đối tượng có nhu cầu thực sự về nhà ở, nhưng với thu nhập của họ, để sở hữu được những căn hộ ở các dự án nhà ở thương mại là một giấc mơ xa vời. Vì vậy, cần phải có loại nhà ở thích hợp với khả năng chi trả của đối tượng này.

Cũng theo ông Hoạch, hiện Viglacera Hạ Long có 3.200 cán hộ công nhân viên và đa số có nhu cầu ở tập thể và được công ty lo chỗ ăn ở và trang bị đầy đủ thiết bị như: Tivi, bình tắm nóng lạnh, quạt điện… với giá thuê phải chăng như: mỗi phòng từ 2 - 4 người với giá 200.000 đồng/phòng, mua căn hộ giá 90 triệu đồng/căn khoảng 45m2. Ngoài nhà ở tập thể, công ty còn xây dựng khu tổng hợp như: Khu nhà tắm nóng, lạnh, xông hơi, siêu thị, nhà trẻ, khu tập thể thao…

Ông Hoạch cho biết, việc xây dựng nhà ở cho công nhân của Viglacera, ngoài mục đích hỗ trợ còn là hoạt động mang tính xã hội theo chủ trương của Chính phủ. Vì vậy, việc thu hồi vốn đối với các dự ánnhà ở công nhân có thể kéo dài tới 20 năm. “Công ty không lo lắng về việc thu hồi vốn mà chủ yếu hỗ trợ công nhân tiền nhà. Có nhà ở gần khu sản xuất, con em lại học gần nên họ yên tâm làm việc, tạo năng suất cao trong lao động”.

Hiện tại, trên cả nước Viglacera đã đưa vào sử dụng 12.300m2 sàn nhà ở cho công nhân thuê, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 2.000 công nhân. Tại KCN Tiên Sơn (tỉnh Bắc Ninh), tỷ lệ lấp đầy lên đến 100%, tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động. Vì vậy, trong thời gian tới, Viglacera sẽ tiếp tục triển khai xây dựng các khu nhà ở công nhân song song với việc đầu tư xây dựng và nâng cao công tác quản lý, vận hành khu công nghiệp...


Theo Lưu Vân – Diễn đàn Doanh nghiệp

Các tin khác