Thị trường bất động sản Hà Nội: Thời của nhu cầu thực

10:08 | 24/02/2009

      

Còn 1/3 cán bộ công chức, viên chức ở đô thị có nhu cầu
về nhà ở. Ảnh: La Duy      

Những cú hích quan trọng

 Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và nền kinh tế nước ta trong năm 2009 được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn đã tác động đến thị trường BĐS vốn dĩ trầm lắng rất lâu sau cơn sốt ảo. Chính phủ đã ban hành cơ chế khuyến khích, ưu đãi phát triển nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, Bộ Xây dựng cũng xem chương trình này là một trong những mục tiêu quan trọng cho nhiệm vụ của năm. 
 

 

Đề xuất này của Bộ Xây dựng được xem là tương đối phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay khi thị trường BĐS đang nguội lạnh và khu vực nhà ở xã hội là khu vực mà trước đây vẫn “khắc khoải” tìm lời giải. Gói kích cầu lần này được tập trung vào các đô thị lớn là trúng điểm, không chỉ giúp giải quyết ở một mức độ nhất định vấn đề nhà ở xã hội mà còn giúp cho các giao dịch về nhà ở có chất lượng bình thường sẽ sôi động lên.

Thêm vào đó, sự trở lại của các ngân hàng với nhiều hình thức cho vay ưu đãi đối với lĩnh vực BĐS, thu hút khách hàng cá nhân thông qua chính sách lãi suất linh hoạt đã làm cho tín dụng BĐS sau một thời gian dài “bế quan toả cảng” cũng đã có dấu hiệu phục hồi vào những tháng đầu năm 2009. Đơn cử như Ngân hàng ACB công bố đã giải ngân khoảng 1.500 tỷ đồng cho thị trường này, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã ký kết hợp đồng tín dụng cho Hoàng Anh Gia Lai vay 5.600 tỷ đồng để tập đoàn này triển khai các dự án địa ốc và các hạng mục đầu tư khác. Tuy nhiên, với thị trường địa ốc các ngân hàng sẽ thận trọng hơn trong việc cho vay dù phải chịu nhiều áp lực về việc tăng tài sản và dư nợ tín dụng.

Nhu cầu thực

Từ quý II/2008, thị trường nhà ở, đặc biệt là căn hộ cao cấp bắt đầu tụt dốc. Cái gọi là tụt dốc này được cho là đang trở về với giá trị thực nhưng dù có “tụt” thì những căn hộ cao cấp vẫn đang ở mức giá khá cao, vẫn là ước mơ vươn tới của một số người có thu nhập khá còn với đại đa số người dân sống trong đô thị thì vẫn “mơ về nơi xa lắm”. Căn hộ ở mức trung bình bắt đầu được khởi động trở lại với mức giá vẫn còn hơi cao một chút nhưng có thể chấp nhận được, “nếu mình mua để ở thì thời gian này mua là được, giá nhà cũng không cao lắm, ngân hàng hạ lãi suất nên có gửi tiết kiệm cũng chẳng ăn thua gì” - chị Trần Thị Thanh Hà - chung cư 8C - Tạ Quang Bửu nói. Còn anh Nguyễn Quốc Đoàn - giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội thì cho rằng: “Các căn hộ chung cư ở trung tâm TP khó mà xuống giá, đặc biệt là những khu được xem là “mảnh đất vàng” tiện cho sinh hoạt và thương mại cho dù thị trường BĐS có trầm lắng”.

Các căn hộ cao cấp có đầy đủ tiện nghi như Ciputra (123 - 182m2) có giá rao bán từ 225 - 270 ngàn USD, căn hộ tại khu chung cư Trung Hoà - Nhân Chính giá từ 26 - 31 triệu/m2, chung cư Lò Đúc 28 - 30 triệu/m2…, các chung cư tại KĐT mới Pháp Vân và hàng loạt các khu chung cư tại TP Hà Đông đã xuống với mức 11 - 13 triệu/m2.

Trên các sàn giao dịch BĐS cung vẫn lớn hơn cầu nhưng không thể phản ánh tính xác thực của thị trường này bởi lẽ có rất nhiều người chào bán nhà đất chỉ là để thăm dò. Anh Đào Nguyên Vũ ở phố Tô Vĩnh Diện cho biết: Tôi có vài căn nhà cho thuê cũng chào bán thử xem giá thế nào để tính toán đầu tư tiếp vài căn hộ chung cư nhưng chỉ là các dự án chuẩn bị khởi công.

Sẽ chuyển biến tích cực

Thị trường BĐS Hà Nội sẽ có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa thể thoát khỏi cảnh “chợ chiều” - đó là nhận định của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, rất nhiều nhà đầu tư tỏ ra lạc quan hơn, ông Nguyễn Quang Mẫn - Chủ tịch HĐQT TCty Sông Hồng - đơn vị đi đầu trong các dự án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội cho rằng: Thị trường BĐS Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố, BĐS thế giới biến động, giá vàng lên xuống, lạm phát… lĩnh vực nhà chung cư lên cao không đúng với thực tế. Năm 2009 và những năm tiếp theo thị trường BĐS dần dần đi về giá trị thực, các nhà đầu tư cần phải có tính toán chi phí đầu tư hợp lý, nhà đầu tư đảm bảo có hiệu quả, người tiêu dùng cũng có tài sản đúng với giá trị mà họ bỏ tiền ra, sẽ không còn tình trạng như trước đây người tiêu dùng bỏ tiền thật ra mua giá trị ảo.

Đề án nhà ở cho người thu nhập thấp đang nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân cũng như nhiều nhà đầu tư, bên cạnh việc đầu tư vào các khu chung cư cao cấp và văn phòng cho thuê, các doanh nghiệp đã tính toán đến việc tham gia xây dựng các khu nhà cho người thu nhập thấp với mức giá hợp lý. Hiện nay mặc dù trên thị trường BĐS được xác định là cung cao hơn cầu nhưng thực tế vấn đề nhà ở vẫn đang thiếu, thử tính một con số cả thành phố Hà Nội còn bao nhiêu khu nhà chung cư cũ nát được xây dựng từ những năm 1960 vẫn chưa được cải tạo, hay lượng sinh viên học tại Hà Nội chỉ có 1/10 trong số họ được ở ký túc xá còn đa phần vẫn phải thuê nhà trọ thì sẽ thấy rằng nhu cầu nhà ở vẫn nhiều nhưng túi tiền lại có hạn. 

Nhiều người dân vẫn đang chờ đợi và hy vọng thị trường BĐS sẽ phục hồi với mức giá hợp lý còn trên thực tế nhiều giao dịch cũng được thực hiện chủ yếu do những người có nhu cầu thực, còn việc kinh doanh lúc này được xem là có chút mạo hiểm.


Thanh Uyên

Các tin khác
  • Quản lý nguồn nguyên liệu làm VLXD: Nhân giá trị tài nguyên

    Lượt xem : 5980
    Trong bối cảnh nhiều DN đua tranh hạ giá bán các mặt hàng gốm sứ xây dựng nội địa, ngoài những nguyên nhân do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế, liệu còn yếu tố nào khác nằm ở công tác quản lý nguồn nguyên, nhiên liệu? Đó là câu hỏi buộc phải “giải mã” cho được, để qua đó tiến tới xây dựng một nền công nghiệp sản xuất VLXD phát triển bền vững.
    Chi tiết
  • Consmat 2008: Khẳng định thương hiệu ngành Xây dựng - VLXD & BĐS Việt Nam

    Lượt xem : 5613
    Hội chợ Triển lãm chuyên ngành Xây dựng, VLXD&BĐS Việt Nam (Consmat 2008) vừa khai mạc sáng nay, 10/12, tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (Giảng Võ, Hà Nội) dưới sự bảo trợ và chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam và Hội VLXD Việt Nam.
    Chi tiết
  • Thúc đẩy ứng dụng vật liệu, thiết bị và công nghệ mới trong xây dựng nhà cao tầng

    Lượt xem : 5670
    Ngày 23/12, tại Hà Nội, dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Công ty CP IEC Việt Nam đã tổ chức Hội thảo giới thiệu vật liệu xây dựng, thiết bị và công nghệ mới trong thi công xây dựng nhà cao tầng.
    Chi tiết
  • Ngành gốm sứ xây dựng đang khó khăn

    Lượt xem : 6280
    (Ông Đinh Quang Huy - Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Xây dựng) Được biết, hiện hàng loạt nhà máy sản xuất gạch ngói đất sét nung, trong đó có những nhà máy công nghệ hiện đại sản xuất ceramic, sứ vệ sinh cũng buộc phải ngừng sản xuất do sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Xin ông cho biết những con số có tính “định lượng” để qua đó thấy được thực trạng của ngành sản xuất gốm sứ xây dựng (GSXD) hiện nay?
    Chi tiết
  • Huy động nguồn tài chính cho phát triển đô thị

    Lượt xem : 5721
    Hiệp hội các đô thị Việt Nam vừa tổ chức hội thảo với chủ đề “Quản trị địa phương và tự chủ tài chính” với sự tham gia của nhiều vụ chức năng thuộc các Bộ: Xây dựng, Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước cùng Chủ tịch UBND một số thành phố và chuyên gia nước ngoài.
    Chi tiết
  • Trung Quốc đầu tư 132 tỷ USD xây nhà ở cho người có thu nhập thấp

    Lượt xem : 5988
    Bộ Nhà ở và Kiến thiết thành thị - nông thôn Trung Quốc (MOHURD) vừa cho biết, chính phủ nước này có kế hoạch đầu tư 900 tỷ NDT (132 tỷ USD) để xây nhà ở cho người dân có thu nhập thấp trong 3 năm tới.
    Chi tiết