Gạch bê tông khí- “giải pháp xanh” trong xây dựng

10:05 | 15/10/2010

Viên gạch nhỏ mang giá trị lớn

Các căn biệt thự thời Pháp ở Hà Nội vẫn luôn hấp dẫn giới kiến trúc không chỉ ở những đường nét, hình khối hài hòa và tao nhã, mà bầu không khí bên trong luôn tạo cho con người cảm giác thoải mái trong suốt bốn mùa. Một điều dễ nhận thấy là chính những bức tường dầy từ 50 cm đến 60 cm của các căn biệt thự này đã ngăn và hấp thụ nhiệt năng từ bên ngoài xâm nhập vào bên trong, giữ nhiệt độ trong nhà luôn mát mẻ về mùa hạ, ấm cúng về mùa đông.

Ngày 28/4/2010 Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 567/QĐ-TTg  phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 với mục tiêu phát triển sản xuất và sử dụng loại vật liệu này thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20-25% vào năm 2015 và 30-40% vào năm 2020.

Theo đó, từ năm 2011, các công trình nhà từ 9 tầng trở lên sẽ sử dụng tối thiểu 30% vật liệu xây dựng không nung loại nhẹ có lượng thể tích không lớn hơn 1000 kg mỗi m3 trong tổng số vật liệu xây.

 
Tuy nhiên, cách xây dựng này chỉ phù hợp với những gia đình giàu có, vì tiêu tốn gạch, xi măng, vôi vữa và mất nhiều diện tích… Với “tấc đất tấc vàng” như hiện nay thì việc xây những bước tường dầy lại càng trở nên xa lạ. Kể từ khi chiếc điều hòa nhiệt độ du nhập vào Việt Nam đã phần nào giúp người dân giải quyết được cái oi bức của mùa hè, và xua tan cái giá rét của mùa đông.

Nhưng giờ đây, nhiều gia đình đã, đang và sẽ tiếp tục phải gánh thêm những khoản tiền điện ngày càng lớn, khi thế giới bắt đầu bước vào giai đoạn khủng hoảng năng lượng. Đó là chưa kể những tác động xấu từ hàng triệu chiếc điều hòa phát thải ra môi trường, phá hủy tầng ozon, gây hiệu ứng nhà kính. Nhiều người cũng gặp các vấn đề về sức khỏe khi buộc phải trú trong những căn nhà điều hòa bịt kín, thiếu dưỡng khí...

Trong khi đó ở các nước tiên tiến, văn minh và giàu có, từ lâu người ta đã nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi các loại gạch không nung, với rất nhiều ưu điểm như thân thiện với môi trường, siêu nhẹ, bền, tiết kiệm năng lượng hóa thạch do không phải nung đốt truyền thống, bảo ôn, chống cháy, cách âm, cách nhiệt, chống thấm rất tốt so với vật liệu đất sét nung.

Mô hình nhà máy gạch bê tông khí Viglacera

Hiệu quả bảo ôn của tường gạch bê tông không nung có chiều dày 20cm sẽ tương đương với bức tường gạch đất nung có chiều dày 49cm. Các chuyên gia của Tổng công ty Viglacera đã tính toán, với điều kiện khí hậu nhiệt đới, sử dụng sản phẩm bê tông khí sẽ làm giảm tới 40% chi phí điện năng tiêu thụ cho điều hoà. Đây còn là loại gạch siêu nhẹ vì tỷ trọng chỉ bằng 1/2 hoặc thậm chí 1/3 so với gạch đất nung thông thường, giúp công trình giảm tải, giảm chi phí xử lý nền móng và hệ thống kết cấu, tiết giảm mức đầu tư xây dựng công trình từ 7- 10%, đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thiện phần bao che của công trình lên 2 - 5 lần. Các loại gạch này có kết cấu nhiều lỗ khí, được phân bố đều với mật độ cao. Chính vì vậy chúng có tính năng cách âm tốt gấp hai lần so với gạch xây thông thường, đồng thời giữ ấm cho ngôi nhà về mùa đông, mát về mùa hè, tiết kiệm điện năng sưởi hoặc điều hòa nhiệt độ...

Gạch được sản xuất theo nhiều kích thước phù hợp và chính xác, giúp rút ngắn thời gian thi công và hoàn thiện. Đặc biệt khi xây bằng các loại gạch bê tông khí thì công tác hoàn thiện như lắp đặt điện nước cực kỳ dễ dàng, tường bằng gạch bê tông khí có thể cho phép khoan, doa, tạo rãnh, tạo hốc một cách dễ dàng hơn nhiều so với gạch xây thông thường, mang lại sự tiện lợi và linh hoạt trong thi công.


Với thành phần cấu tạo là vật liệu trơ và các chất vô cơ, các loại gạch không nung hoàn toàn không độc hại, có độ cứng và độ bền rất cao và không bắt lửa. Ngoài ra, với cấu trúc thông thoáng, chúng còn có thể tự khuếch tán hơi nước, giải phóng độ ẩm và loại trừ các vấn đề liên quan đến nấm mốc, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết nắng nóng của khí hậu vùng nhiệt đới, vùng biển và vùng có độ ẩm cao như ở khu vực miền Bắc Việt Nam.

Trong khi đó, quá trình nung gạch cũng làm tiêu tốn rất nhiều nhiên liệu, đặc biệt là than đá. Quá trình này lại thải ra môi trường một lượng lớn khí độc hại không chỉ ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người mà còn làm giảm năng suất cây trồng.


Đối với nhà sản xuất, gạch không nung giúp họ tận dụng được nguồn đất ít có giá trị kinh tế như đất đồi cằn cỗi tại các vùng trung du, đất sét pha ven sông, đất thải từ các công trình đào móng nhà, hầm lò, ao hồ, các loại đất, đá tại các công trường khai thác quặng,... Sản xuất gạch không nung, các chủ đầu tư còn có thể tận dụng các nguồn phế thải rắn tại chỗ như bê tông, gạch vỡ, cát, đá sỏi, xỉ lò, các bã quặng bô xít để sản xuất gạch, vừa giảm thiểu chi phí vận chuyển, vừa tránh ô nhiễm môi trường vì gạch không qua khâu nung đốt nên không thải khí CO2 ra môi trường, lại xử lý được các chất phế thải công nghiệp.

Về mặt kinh tế, gạch không nung có giá thành chỉ bằng 2/3 gạch nung, nhưng lại có độ cứng gần gấp 2 lần gạch nung. Các chỉ tiêu về kỹ thuật và an toàn vật liệu đều đạt và vượt yêu cầu kỹ thuật. Viên gạch không nung được ép với máy thuỷ lực trên 150 tấn nên bề mặt viên gạch nhẵn và đồng đều tuyệt đối, từ đó công xây dựng giảm, có thể không cần vữa trát tường, xây đến đâu hoàn thiện đến đó nên giảm một khoản chi phí đáng kể đối với một căn nhà. Đây là bài toán kinh tế rất có lợi cho người tiêu dùng khi sử dụng gạch không nung.

Trên đã tỏ, dưới chưa tường

Nhận thức rõ nguy cơ và lợi ích, ngày 28/4/2010, Thủ tướng ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) đến năm 2020. Theo đó, Chương trình mục tiêu phát triển sản xuất và sử dụng loại vật liệu này thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20-25% vào năm 2015 và 30-40% vào năm 2020.

Chính phủ yêu cầu tăng dần sử dụng VLXKN cụ thể: Từ năm 2011, các công trình nhà từ 9 tầng trở lên sẽ sử dụng tối thiểu 30% vật liệu xây dựng không nung loại nhẹ có lượng thể tích không lớn hơn 1000 kg mỗi m3 trong tổng số vật liệu xây.


Ba chủng loại vật liệu xây dựng không nung được dùng là gạch xi măng-cốt liệu, gạch nhẹ và các loại gạch khác. Tỷ lệ gạch xi măng-cốt liệu trên tổng số vật liệu xây không nung khoảng 74% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020. Gạch nhẹ gồm gạch từ bê tông khí chưng áp và gạch từ bê tông bọt chiếm tỷ lệ 21% vào năm 2015 và 25% năm 2020 trên tổng số vật liệu xây không nung.

Các loại gạch khác như đá chẻ, gạch đá ong, vật liệu xây không nung từ đất đồi và phế thải xây dựng, gạch silicát... đạt tỷ lệ khoảng 5% từ năm 2015 trên tổng số vật liệu xây.

Hằng năm, khoảng 15-20 triệu tấn phế thải công nghiệp (tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao...) sẽ được sử dụng để sản xuất vật liệu xây dựng không nung. Việc sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung có tác dụng tiết kiệm đất nông nghiệp, nhiên liệu than giảm thiểu khí phát thải gây ô nhiễm môi trường. Các dự án chế tạo thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung sẽ được ưu đãi về thuế. Theo đó, các doanh nghiệp (DN) sản xuất VLXKN hoặc chế tạo thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất VLXKN sẽ được hưởng ưu đãi về thuế giá trị gia tăng 5%, miễn thuế thuê đất bốn năm, ưu đãi về thuế thu nhập DN, thuế xuất nhập khẩu, hỗ trợ vay vốn, mặt bằng đầu tư. Bộ Xây dựng cũng có kế hoạch hỗ trợ DN đầu tư sản xuất VLXKN bằng các giải pháp hoàn thiện công nghệ sản xuất trong điều kiện cụ thể của Việt Nam...

Thời gian gần đây, một số đơn vị Nhà nước đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch bê tông khí để đưa các vật liệu sạch vào các công trình xây dựng. Tuy nhiên nhìn chung hiện trên cả nước, tỷ lệ sử dụng vật liệu này lại rất thấp. Theo các chuyên gia trong ngành lý giải: do người dân đã quen với việc sử dụng gạch đất nung cỡ nhỏ, xây dựng vẫn theo lối thủ công truyền thống. Khi sử dụng gạch block kích thước lớn, nặng, khó vận chuyển lên cao, nên đa phần thợ đều không thích. Trong khi đó, quy trình xây dựng đối với loại gạch này cũng chặt chẽ hơn, đòi hỏi thợ phải có tay nghề cao.

Các DN trong nước hiện cũng chưa bắt nhịp được với xu thế mới này bởi nhiều nguyên nhân, trong đó việc tìm đầu ra cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Các công trình trong nước ít sử dụng loại vật liệu này vì phụ thuộc nhiều quy định phức tạp, thiếu những quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật dẫn tới khó khăn cho hoạt động thanh toán, quyết toán. Trong khi đó, theo Viglacera, các công trình lớn của các nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân như: Keangnam Hanoi Landmark Tower, Hà Nội Hotel Plaza, Làng Việt kiều châu Âu - Hà Ðông, Habico tower, Khách sạn Horison... lại luôn ưu tiên sử dụng gạch không nung. Hơn nữa, tâm lý e dè trong việc đầu tư sản xuất VLXKN vẫn còn. Phần lớn DN trong nước vừa sản xuất vừa chuyển giao công nghệ nên xảy ra hiện tượng chồng chéo trong chiến lược phát triển cũng như quy mô sản xuất.

Với nguồn nguyên liệu sẵn có cũng như những cơ chế chính sách ưu đãi ngành sản xuất VLXKN Việt Nam có điều kiện phát triển. Tính đến nay, cả nước có hơn 800 cơ sở sản xuất VLXKN, tuy nhiên đa số dây chuyền mới chỉ dừng ở mức độ nhỏ, vừa, manh mún. Các sản phẩm nhập khẩu hiện có giá bán quá cao. Vì vậy theo Tổng giám đốc Viglacera, việc đẩy nhanh sản xuất đa dạng chủng loại sản phẩm VLXKN là rất cần thiết, vừa đón đầu xu thế phát triển chung của thị trường vật liệu xây dựng, đồng thời tạo thêm một ngành công nghiệp mới đầy tiềm năng.

Chỉ còn ba tháng nữa, các công trình trên 9 tầng trong cả nước sẽ phải sử dụng VLXKN, song chưa nhiều doanh nghiệp xây dựng có những động thái cho việc chuẩn bị thực hiện quyết định của Chính phủ. Nhà nước cần có biện pháp khuyến khích mạnh mẽ các nhà đầu tư sản xuất VLXKN, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc sử dụng các vật liệu sạch, để tăng lợi ích kinh tế và bảo đảm môi trường sống được an toàn, sạch đẹp hơn./.

Theo Nhân Trí (VOVNews)

Các tin khác
  • Viglacera tổ chức Hội nghị giao ban Quý III – Chào mừng ngày doanh nhân Việt Nam

    Lượt xem : 13568
    Hội nghị giao ban Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch kinh doanh quý III, 9 tháng đầu năm 2010 và triển khai kế hoạch, mục tiêu kinh doanh quý IV năm 2010; Triển khai kế hoạch kinh doanh và đầu tư năm 2011; Định hướng kế hoạch kinh doanh và đầu tư giai đoạn 2011-2015 của Tổng công ty VIGLACERA ngày 13/10, đã thống nhất nhiều nội dung quan trọng.
    Chi tiết
  • Khởi công Nhà máy gạch Clinker quy mô hiện đại đầu tiên tại Việt Nam

    Lượt xem : 8735
    Dự án Nhà máy gạch Clinker VIGLACERA là đỉnh cao của công nghệ sản xuất sản phẩm xây dựng đất sét nung, là nhà máy đầu tiên sản xuất các sản phẩm gạch – ngói Clinker tại Việt Nam. Dự án là kết tinh của tầm nhìn chiến lược về xu thế thị trường, của quyết tâm dấn thân, đi trước – đón đầu của VIGLACERA
    Chi tiết
  • Thời của vật liệu xây dựng xanh

    Lượt xem : 5413
    Ông Nguyễn Thanh Hải - Tổng Giám đốc Công ty CP gạch Clinker Viglacera cho rằng, đây là thời điểm bắt đầu của Clinker. Xu thế này phù hợp với quy luật phát triển của thị trường khi người tiêu dùng ngày càng muốn sử dụng sản phẩm tốt hơn, chất lượng và thân thiện hơn
    Chi tiết
  • Gạch block bê tông khí chưng áp VIGLACERA – Giải pháp hiện đại cho công trình

    Lượt xem : 20897
    Dù chưa chính thức có mặt trên thị trường nhưng gạch block bê tông khí chưng áp VIGLACERA đang được các chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn thiết kế thi công… nóng lòng đón đợi như một giải pháp mới hiện đại áp dụng hiệu quả cho các công trình kiến trúc
    Chi tiết
  • Lễ gắn biển Tòa nhà VIGLACERA tại địa chỉ số 1 Đại lộ Thăng Long

    Lượt xem : 8396
    Với sự kiện thông xe đại lộ hiện đại nhất Việt Nam, việc Tòa nhà VIGLACERA được cấp địa chỉ số 1 Đại lộ Thăng Long là một dấu mốc có ý nghĩa. Kể từ nay, mọi giao dịch đến VIGLACERA Tower đều mang địa chỉ số 1 Đại lộ Thăng Long, thay vì địa chỉ số 1 đường Láng – Hòa Lạc như trước đây.
    Chi tiết
  • VIGLACERA tham gia Hội chợ Triển lãm Bất động sản và các dịch vụ tài chính – VPF 2010

    Lượt xem : 14537
    Với thiết kế gian trưng bày đẹp mắt, được thể hiện bằng mô hình, hình ảnh có chất lượng cao, kèm theo nhiều dịch vụ tư vấn tiện ích; và đặc biệt do bởi thương hiệu VIGLACERA từ lâu đã khẳng định uy tín trên thị trường nên gian trưng bày của Tổng công ty VIGLACERA tại VPF 2010 luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham quan.
    Chi tiết