(ĐTCK) Đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, nhạy bén trong đầu tư bất động sản, đồng thời có quyền khai thác quỹ đất cực lớn, 3 điểm mạnh này có thể khiến nhà đầu tư an tâm khi bỏ vốn vào đợt IPO ngày 20/2 tới.

Vững hiện tại

Theo đánh giá của giới phân tích các CTCK, trong bối cảnh cổ phiếu của doanh nghiệp lớn trên sàn đã được khối ngoại, trong đó có các quỹ ETF săn mua kín room, đẩy thị giá lên cao gấp nhiều lần mệnh giá, cổ phiếu của Viglacera có thể là sự lựa chọn hấp dẫn.

Xét trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng tại Việt Nam, Viglacera là đơn vị đứng đầu cả về năng lực sản xuất, loại hình, mẫu mã và chất lượng sản phẩm đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường từ bình dân đến cao cấp.

 
Nhiều nhà đầu tư quan tâm tới đợt IPO của Viglacera

Viglacera cung cấp sản phẩm vật liệu xây dựng và dịch vụ đa dạng từ móng đến mái, từ trong ra ngoài công trình, đóng góp trên 23 triệu USD kim ngạch xuất khẩu/năm của ngành xây dựng và hiện có mặt tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Những sản phẩm chính của doanh nghiệp gồm kính xây dựng với 11 nhóm sản phẩm chiếm 40% tổng công suất thiết kế toàn ngành; sứ vệ sinh; gạch ceramic và granite; gạch ngói đất sét nung.

Nếu như sản xuất sắt thép, xi măng chịu biến động lớn ở nguyên liệu đầu vào do nhập khẩu tỷ trọng lớn thì các mặt hàng trên Viglacera chịu ít biến động do sử dụng phần lớn vật liệu khai thác trong nước.

Đơn cử, Viglacera có 2 đơn vị thành viên hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến 2 loại nguyên liệu quan trọng trong sản xuất kính và sức là cát thạch anh và feldpar.

Hay các nhà máy sản xuất gạch hiện khai thác đất sét ngay tại các mỏ trên khu vực địa bàn nhà máy.

Đầu ra cho sản phẩm cũng được Viglacera chủ động với chiến lược đa dạng hóa sản xuất và sản phẩm nhằm cung cấp trọn gói và đồng bộ các loại vật liệu xây dựng cho các dự án lớn tại thị trường trong nước và quốc tế.

Trong hoạt động sản xuất, các đơn vị thành viên cũng có thể hỗ trợ lẫn nhau trong công nghệ và phát triển thị trường.

Đối với mỗi lĩnh vực sản xuất đều có những đầu mối tạo lập thị trường cho các đơn vị thành viên nhằm đảm bảo đồng bộ hóa hoạt động bán hàng và quản lý chất lượng sản phẩm. Hệ thống phân phối sản phẩm được xây dựng khắp cả nước.

Trong lĩnh vực bất động sản, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, Viglacera là DN nhạy bén với sự biến động của thị trường. Tổng công ty này đã triển khai 15 dự án có quy mô lớn bao gồm đầu tư hạ tầng khu công nghiệp cho thuê, đầu tư xây dựng khu đô thị, nhà ở để bán và khu thương mại - văn phòng cho thuê.

Ở thời điểm này, Viglacera tập trung vào 2 thị trường có sức cầu lớn là khu công nghiệp và các dự án nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội. Bởi vậy, sản phẩm bất động sản của Viglacera không bị tồn kho và đóng góp tỷ trọng lớn nhất vào cơ cấu lợi nhuận.

Cụ thể, lĩnh vực kinh doanh hạ tầng KCN của đơn vị này lại đạt hiệu quả cao trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, doanh thu tăng gấp 4 lần trong 3 năm qua, đạt khoảng 600 tỷ đồng năm 2012.

Tương lai: nhiều tiềm năng

Giới phân tích đánh giá cao về tiềm năng quỹ đất của Viglacera. Cụ thể, Viglacera hiện đang sở hữu rất nhiều dự án và hiện đang quản lý đến hơn 1.200 héc-ta đất, trong đó, hơn 800 héc-ta là đất thuê và gần 390 héc-ta là đất nhà nước giao. Chưa kể đất do các công ty con của Viglacera đang quản lý và sử dụng.

Sau chu kỳ suy thoái, thị trường bất động sản sẽ tăng trưởng trở lại với nhu cầu lớn của người dân về sở hữu bất động sản để ở và đầu tư, với quỹ đất lớn, Viglacera có nhiều cơ hội để khai thác hiệu quả và tăng mạnh lợi nhuận.

Trong định hướng hoạt động, Viglacera cho biết sẽ đẩy mạnh sang hoạt động đầu tư và kinh doanh bất động sản. Theo kế hoạch từ 2013 -2018, Viglacera sẽ đầu tư khoảng trên 6600 tỷ đồng cho 23 danh mục đầu tư.

Xem xét cơ hội đầu tư vào CP không thể không xét đến tình hình kinh doanh của DN. Trong năm 2013, Viglacera là một trong rất ít các DN lớn của Bộ Xây dựng có lãi hợp nhất. 9 tháng đầu năm, công ty mẹ Viglacera ghi nhận doanh thu thuần đạt 1,729.5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 90.5 tỷ đồng.

Theo ông Luyện Công Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty, năm 2013, Công ty ước vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đặt ra (lợi nhuận Công ty mẹ đạt trên 150 tỷ đồng).

Trong bản cáo bạch, doanh nghiệp cũng thể hiện rõ định hướng phát triển khi thời gian qua thực hiện thoái vốn ở một loạt Công ty con, tập trung vào 2 lĩnh vực chính là sản xuất vật liệu xây dựng và đầu tư xây dựng kinh doanh Bất động sản.

Sở hữu tài sản lớn là đất đai, hạ tầng cơ sở khu công nghiệp cùng hệ thống các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng với công nghệ hiện đại và tiên tiến trên thế giới, với đội ngũ nhân sự có chuyên môn, tay nghề cao, tiềm năng tăng trưởng của Viglacera khá chắc chắn.

 
Nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm tới cổ phiếu Viglacera

Với tỷ lệ bán đấu giá cổ phần chiếm tới 25% vốn điều lệ và định hướng Nhà nước sẽ giảm dần tỷ lệ sở hữu xuống 51% vốn, Viglacera được nhìn nhận sẽ có nhiều thay đổi theo hướng linh hoạt, tích cực hơn sau cổ phần hóa. Viglacera cũng dự định đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn tập trung 1 năm sau IPO.

Với quy mô vốn lớn, lợi thế đứng đầu trong ngành, CP Viglacera sẽ được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và đưa vào danh mục bỏ vốn.

Như vậy, có thể đánh giá đợt IPO Viglacera ngày 20/2 tới với giá khởi điểm 10.300 đồng/CP sẽ là cơ hội đầu tư hấp dẫn ngay đầu năm 2014, nhất là trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đang ngủ đông như lãi suất tiết kiệm duy trì ở mức thấp, bất động sản còn khó khăn, vàng, ngoại tệ đều có xu hướng giảm.

Theo Đầu tư chứng khoán