Lối ra cho bài toán nhiên liệu sản xuất gốm sứ
Từ khi giá nhiên liệu như dầu FO, dầu DO, gas... tăng tới 20%, một số doanh nghiệp (DN) sản xuất gốm sứ đã tính đến chuyện đầu tư lò khí hóa than để thay thế nhiên liệu nhập khẩu đắt tiền, hạ giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, đại đa số các DN vẫn lúng túng bởi khí hóa than chưa hẳn là giải pháp đạt tới sự trọn vẹn về môi trường. |
Điều khó giãi bày...
Một mặt các DN sản xuất gốm sứ vừa muốn chuyển sang giải pháp khí hóa than bởi những ưu điểm như: khối lượng nhiệt ổn định, đốt cháy hoàn toàn. Song một mặt lại lo lắng vì vận hành công nghệ phức tạp, phải thay đổi tổ chức sản xuất. Nhiều DN băn khoăn: Trước đây phải nghiên cứu cải tiến đã chuyển từ đốt than sang đốt dầu, nay lại chuyển về đốt than thì liệu có phải là một bước lùi trong công nghệ? Nhưng có một điều mà ít DN sản xuất gốm sứ dám mạnh dạn, công khai bày tỏ, đó là nỗi lo về bụi (dù rằng công nghệ này không gây bụi như cách đốt than cám). Bụi nhiều, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, môi trường làm việc, mà kéo theo việc DN sẽ bị..."nhòm ngó", soi xét liên tục, vậy nên không ít DN vẫn lần chần, dù rằng rất muốn sử dụng than trong bối cảnh giá cả đang cạnh tranh khốc liệt.
Ông Nguyễn Quang Mâu - Giám đốc Công ty Gốm xây dựng Hạ Long không đồng tình quan điểm đó: "Khi hóa than là sự tiến bộ về công nghệ, nếu đầu tư thích đáng để nghiên cứu cải tiến bộ phận lọc bụi. Sự lo lắng thái quá cũng không hẳn đã đúng, vì ngay thời kỳ mới chuyển từ đốt than sang đốt dầu, vẫn bụi, phải mất nhiều công sức mới cải tiến được nhược điểm này".
Nỗi lo chính, theo ông Mâu, chỉ là những vấn đề phát sinh của thiết bị trong quá trình đưa vào sản xuất. Còn việc nghiên cứu để tận dụng một nguồn nguyên liệu rẻ tiền, lại hoàn toàn chủ động nguồn cung trong nước là điều nên làm. Không chỉ vậy, việc áp dụng công nghệ mới để sử dụng than nhiên liệu thay thế dầu đốt, khí đốt nhập khẩu đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của giới sản xuất gốm sứ.
Công nghệ đốt hồ than nước
Mặc dầu vậy, khí hóa than với nhược điểm đó chưa thực sự "chinh phục" được số đông. Trong bối cảnh đó, Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam đã mời Công ty tiết kiệm năng lượng Qinghua (Phật Sơn - Trung Quốc) gặp gỡ với các DN gốm sứ xây dựng trong Hội thảo "Tiết kiệm năng lượng bằng kỹ thuật đốt hồ than nước và một số giải pháp hiệu quả khác". Tại Hội thảo, Qinghua cung cấp thông tin về công nghệ sấy nung mới - đốt hồ than nước - cũng sử dụng nguồn than nhiên liệu trong nước nhưng có rất nhiều ưu điểm về môi trường. Nhược điểm của công nghệ hồ than nước là... "kén" than chất lượng cao hơn so với khí hóa than, nhiệt độ nung cũng cao hơn.
Hồ than nước là một loại nhiên liệu thể lỏng, sạch, được sản xuất bằng công nghệ cao thay thế dầu, tạo khí nóng để sấy nung sản liệu thể lỏng này có tính lưu động giống như dầu DO... Hiệu quả cháy rất cao. Tóm lại hồ than nước có thể thay thế dầu và khí gas. Đặc biệt tỷ lệ khử bụi đạt hơn 99%, gần như không ô nhiễm. Khí thải đáp ứng được các tiêu chuẩn môi trường. Nói chung đây là một loại nhiên liệu phải sử dụng kỹ thuật mới mà theo một số cán bộ kỹ thuật của Việt Nam từng sang tham quan, học hỏi cách làm của Trung Quốc đã cho hay: Ngay ở Trung Quốc, hồ than nước cũng là công nghệ mới vì đa phần các cơ sở sản xuất gốm sứ ở đấy vẫn sử dụng công nghệ khí hóa than.
Với những ưu điểm vượt trội về môi trường, công nghệ đốt hồ than nước đang nhanh chóng gây được sự chú ý của tất cả các DN sản xuất gốm sứ không chỉ của Việt Nam mà của tất cả DN cùng ngành hàng trong khu vực... Tuy nhiên, với suất đầu tư cao hơn hẳn, câu hỏi đặt ra là: "Cuộc chiến" giữa khí hóa than và hồ than nước sẽ ra sao, liệu công nghệ tốt hơn có chiến thắng trong bối cảnh giá gốm sứ đang cạnh tranh quá khốc liệt, và nhất là khi một số nước trong khối ASEAN vẫn đang được Chính phủ bao cấp về giá năng lượng?