Thực hư chuyện tăng giá kính nổi

15:27 | 26/01/2010
Gần đây, một số Cty thương mại - gia công kính thành phẩm phản đối việc áp dụng biện pháp tự vệ cho mặt hàng kính nổi của Việt Nam. Một trong những luận điểm các nhà nhập khẩu đưa ra để phản đối biện pháp tự vệ cho ngành kính nổi vì cho rằng các DN sản xuất trong nước vẫn chưa đủ năng lực để đáp ứng theo nhu cầu của thị trường về số lượng, chủng loại, chất lượng sản phẩm.

Được hỏi về vấn đề này, đại diện các nhà sản xuất kính nổi tại Việt Nam đều cho biết thực chất loại kính mà nhà nhập khẩu cho rằng chưa đáp ứng được là loại từ 12mm trở lên. Tuy nhiên, cũng theo các nhà sản xuất, nhu cầu đối với loại kính từ 12mm trở lên chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng sản lượng tiêu thụ (khoảng 10%). Và nguyên nhân cốt lõi là do hiệu quả kinh tế của loại kính này chưa hấp dẫn nên các nhà sản xuất trong nước chưa chú trọng chứ không phải do hạn chế về năng lực sản xuất. Các dây chuyền sản xuất hiện có tại 2 nhà máy của Cty Kính nổi Việt Nam (VFG) và VIFG đều có thể sản xuất được loại kính có độ dày trên 12mm. Nếu nhu cầu đối với chủng loại kính dày ở mức ổn định và được đặt hàng trước thì các nhà sản xuất trong nước hoàn toàn có thể đưa vào kế hoạch sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Khi đưa vấn đề này ra, dường như người ta không lưu tâm một sự thật: Với mặt hàng này hiện nay, chính các nhà nhập khẩu khi có nhu cầu cũng phải đặt trước 3 - 6 tháng mới về tới Việt Nam. Riêng về chất lượng sản phẩm kính nổi trong nước, ông Hạ Bá Phong - Giám đốc Cty Kính nổi VIGLACERA khẳng định, vẫn đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn TCVN 7218:2002 và TCVN 7529:2005 nên lo ngại về chất lượng sản phẩm là hoàn toàn thiếu căn cứ.


Tồn kho kính nổi vẫn ở mức cao

Xung quanh ý kiến phàn nàn của các DN nhập khẩu về việc tăng giá kính nổi của nhà sản xuất trong thời gian gần đây, có nhiều thông tin cần được làm rõ. Việc điều chỉnh giá trong thời gian vừa qua bắt nguồn từ nguyên nhân giá dầu FO (nhiên liệu chính chiếm khoảng từ 35 - 40% giá thành sản xuất kính nổi) trong nước tăng liên tục trong thời gian gần đây. Có một thực tế không thể phủ nhận là năm 2008 giá kính tăng cao nhất tại thời điểm cuối tháng 7 do giá dầu thế giới đạt mức kỷ lục (hơn 140 USD/thùng), nhưng sau đó giá kính trong nước đã giảm liên tục nhiều lần trong quý IV/2008 và quý I/2009. Nếu so sánh giá kính giữa tháng 7/2008 và tháng 11/2009 - là hai thời điểm có mức giá dầu FO gần bằng nhau - thì sẽ thấy rõ giá kính sản xuất trong nước sau đợt điều chỉnh giá bán vẫn thấp hơn nhiều so với giá kính trước đây hơn 1 năm. Đó là chưa tính đến các chi phí đầu vào khác như lương công nhân, điện... đều tăng. Do đó việc cho rằng nhà sản xuất kính trong nước lợi dụng tình hình để tăng giá là không chính xác. Đương nhiên cũng không có chuyện các nhà sản xuất kính nổi trong nước lạm dụng vụ việc để tăng giá và gây bất ổn trên thị trường. Thực tế còn ngược lại, DN kính vẫn phải tìm mọi biện pháp để kìm giá, mục tiêu tạo sự ổn định trên thị trường nhằm thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát của Chính phủ.

Cần biết rằng, hiện tại lượng tồn kho kính thành phẩm của DN sản xuất trong nước hiện nay vẫn ở mức cao. Một số nhà máy kính nổi công suất 500 tấn/ngày đã ngừng sản xuất, trong khi đó một số các nhà máy kính nổi đã và đang giãn tiến độ xây dựng từ giai đoạn trước sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2010 như Chu Lai, Ninh Bình và đẩy mức cung ra thị trường nội địa lên 250% so với năm 2009 và sẽ làm cho thị trường kính nổi tiếp tục khó khăn hơn trước.

Ngành sản xuất kính nổi trong nước thời gian tới sẽ cạnh tranh rất quyết liệt - đó là một sự thật bắt buộc phải lường tính ngay từ lúc này. Do đó, việc bảo hộ sản xuất trong nước theo tiêu chí tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng đúng như quy định của WTO là một trong những bài toán cần thiết và cần được tiếp tục khai thông về mặt quan điểm.

(Theo Báo Xây dựng)

Các tin khác