Tổng công ty Viglacera nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Xây dựng

21:41 | 12/12/2017

Sáng ngày 12 tháng 12 năm 2017, trong khuôn khổ của Hội nghị Vật liệu xây dựng toàn quốc 2017, Tổng công ty Viglacera đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng trao tặng Bằng khen vì những thành tích xuất sắc trong chương trình phát triển Vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 theo quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Hội nghị Vật liệu Xây dựng (VLXD) toàn quốc 2017 do Bộ Xây dựng chủ trì, tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương.


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà tìm hiểu thông tin về sản phẩm Kính tiết kiệm năng lượng Viglacera trước giờ khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh: Lĩnh vực sản xuất VLXD ở nước ta thời gian qua đã có sự thay đổi rõ rệt, công nghệ ngày càng hiện đại, từng bước hòa nhập với trình độ chung của khu vực và thế giới. Một số doanh nghiệp có trình độ sản xuất tiên tiến, có uy tín trên thị trường.

Thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 567), thời gian qua, hầu hết các địa phương đã có những chỉ đạo quyết liệt trong việc xóa bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến và lò vòng sản xuất gạch đất sét nung cũng như khuyến khích phát triển sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây không nung.


Ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó TGĐ Tổng công ty Viglacera nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Chương trình đã đạt mục tiêu đề ra “Phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20-25% vào năm 2015”. Tuy nhiên, tiến độ, chất lượng thực hiện chương trình chưa đáp ứng yêu cầu, số lượng và chủng loại vật liệu xây không nung chưa nhiều, chưa đa dạng, chưa được sử dụng rộng rãi…

Sản lượng sản xuất gạch ốp lát các loại (gạch ceramic, granite, cotto) không ngừng tăng nhanh. Năm 2010 sản lượng sản xuất là 378 triệu m2, thì đến năm 2016, sản lượng sản xuất đã tăng lên 540 triệu m2 (tăng 50% so với năm 2010), đáp ứng cung cấp đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu khoảng 20-25% tổng công suất. Công nghệ và thiết bị, được đầu tư đồng bộ, tiên tiến từ các nước phát triển với quy mô mỗi nhà máy lên tới hàng chục triệu m2, module công suất mỗi dây chuyền từ 2 đến 3 triệu m2/năm.


Sản phẩm Gạch ốp lát cao cấp của Viglacera đón nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu về dự Hội nghị

Đến hết năm 2016, tổng công suất thiết kế các nhà máy sản xuất sứ vệ sinh đạt 14,7 triệu sản phẩm/năm (tăng 40% so với năm 2010), đáp ứng cung cấp đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Công nghệ sản xuất hiện đại, tiên tiến, mức độ tự động hóa cao, tiêu hao ít nhiên liệu, chủng loại sản phẩm đạt chất lượng cao, đa dạng về hình dáng, kích thước, mẫu mã, màu sắc và đặc tính sử dụng; nhiều loại sản phẩm đạt trình độ công nghệ của các nước tiến tiến hàng đầu trong lĩnh vực này. Năng lực sản xuất trong nước hiện có đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ở trong nước và xuất khẩu đạt khoảng 30-35% công suất thiết kế.

Về kính xây dựng, tổng công suất sản xuất kính phẳng hàng năm của các nhà máy đang sản xuất trong nước ước đạt 4.080 tấn/ngày tương đương 285 triệu m2 quy tiêu chuẩn (QTC)/năm, trong đó kính nổi là 3.550 tấn/ngày tương đương 248 triệu m2 QTC (có 7 nhà máy) và kính cán là 530 tấn/ngày tương đương 37 triệu m2 QTC. Ngoài các nhà máy đang sản xuất, hiện tại có 5 dự án kính nổi đang đầu tư với tổng công suất 2.600 tấn/ngày tương đương 182 triệu m2 QTC/năm. Như vậy, khi 5 dự án trên đi vào sản xuất, tổng công suất sản xuất kính phẳng ở Việt Nam sẽ là 6.680 tấn/ngày tương đương 466 triệu m2 QTC/năm.


Tính năng của Kính tiết kiệm năng lượng Viglacera được giới thiệu trực tiếp tới các khách thuộc Bộ, Ban ngành và lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành Vật liệu xây dựng trên toàn quốc

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tăng cường chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, đổi mới công nghệ như sản xuất kính tiết kiệm năng lượng sử dụng trong tòa nhà; các chất phủ chống bám bẩn trên các vách dựng kính, vật liệu ốp lát trên các công trình; cải tiến công nghệ giảm tiêu hao năng lượng trong sản xuất kính và gạch gốm ốp lát và sứ vệ sinh; sản xuất các loại vật liệu mới, vật liệu không nung thay thế gạch đất sét nung trong xây dựng tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường; sử dụng tối đa các loại chất thải của các ngành công nghiệp để sản xuất vật liệu xây dựng...

Các tin khác