BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 02.2020
BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 02/2019
1. Người trực tiếp sản xuất thực phẩm không được mắc bệnh viêm gan A, E
Ngày 05/02/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 17/2020/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương.
Theo đó, Chính phủ bổ sung nhiều điều kiện mới đối với cơ sở sản xuất thực phẩm đó là: Khu vực sản xuất, chế biến, bao gói, vận chuyển, bảo quản, kinh doanh thực phẩm phải vệ sinh sạch sẽ; Có khu vực lưu mẫu riêng, hồ sơ lưu mẫu và bảo đảm thực hiện chế độ lưu, hủy mẫu theo yêu cầu bảo quản của từng loại mẫu; Có khu vực riêng để lưu giữ tạm thời các sản phẩm không đạt chất lượng trong quá trình chờ xử lý.
Bên cạnh đó, người trực tiếp sản xuất phải được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và được chủ cơ sở xác nhận, không yêu cầu phải có Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm theo chương trình do Bộ Công Thương quy định như quy định cũ.
Đặc biệt, người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải bảo đảm yêu cầu về sức khỏe; không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp. Đồng thời, nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm phải được đóng gói và bảo quản ở vị trí cách nền tối thiểu 10 cm (quy định cũ cách tối thiểu 12 cm).
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 22/3/2020.
2. Phạt tiền đến 20 triệu đồng nếu tung tin giả lên Facebook
Ngày 03/02/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Theo đó, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức có hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong 08 nhóm hành vi tại Khoản 1 Điều 101; đơn cử như:
- Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
- Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
- Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;
- Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc…
Bên cạnh việc phạt tiền thì người vi phạm buộc phải gỡ bỏ thông tin vi phạm khỏi các trang mạng xã hội.
Lưu ý: Cá nhân có hành vi vi phạm như tổ chức thì mức phạt tiền bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/04/2020; đồng thời, bãi bỏ Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013, Điều 2 Nghị định 49/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017.
.