BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 05/2023
10:47 | 08/05/2023
BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 05/2023
(TỪ NGÀY 21.04.2023 – 05.05.2023)
VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
1. Nghị quyết 58/NQ-CP - Có chính sách hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp
Chính phủ ban hành Nghị quyết 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, có hiệu lực từ ngày 21/4/2023.
Trong đó đã đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, cụ thể như sau:
- Tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất
- Hỗ trợ giảm chi phí nguyên liệu, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp
- Tháo gỡ khó khăn về quản lý chi phí, định mức xây dựng cho doanh nghiệp
- Nghiên cứu đề xuất sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện
- Tập trung vốn tín dụng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
- Xây dựng phương án giảm tiền sử dụng nước cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
2. Thông tư 1/2023/TT-BNV - Không yêu cầu sổ hộ khẩu trong hồ sơ đăng ký hoạt động dịch vụ lưu trữ
Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 1/2023/TT-BNV sửa đổi khoản 3 Điều 1 Thông tư 02/2020/TT-BNV (sửa đổi Thông tư 09/2014/TT-BNV ) hướng dẫn về quản lý Chứng chỉ hành nghề lưu trữ và hoạt động dịch vụ lưu trữ, có hiệu lực từ ngày 24/4/2023.
Theo đó, hồ sơ đăng ký hoạt động dịch vụ lưu trữ gồm:
- Bản sao có chứng thực hoặc nộp bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu các giấy tờ sau:
+ Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định thành lập (đối với tổ chức).
+ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân (đối với cá nhân hành nghề độc lập).
+ Chứng chỉ hành nghề lưu trữ của người tham gia hoạt động dịch vụ (đối với tổ chức).
+ Chứng chỉ hành nghề lưu trữ (đối với cá nhân hành nghề độc lập).
- Danh sách người hành nghề lưu trữ (đối với tổ chức).
- Tài liệu chứng minh cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc để thực hiện hoạt động dịch vụ lưu trữ theo quy định của pháp luật hiện hành.
(So với hiện hành tại Điều 7 Thông tư 09/2014/TT-BNV (sửa đổi tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 02/2020/TT-BNV ), bỏ yêu cầu về hộ khẩu thường trú và thay thế bằng Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân (đối với cá nhân hành nghề độc lập).)
3. Thông tư 02/2023/TT-NHNN - Quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, có hiệu lực từ ngày 24/4/2023.
Cụ thể, tại Điều 5 Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ (bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 55/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung)) trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và đáp ứng các quy định sau đây:
- Dư nợ gốc phát sinh trước ngày 24/4/2023 và từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.
- Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 24/4/2023 đến hết ngày 30/6/2024.
- Số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ còn trong hạn hoặc quả hạn đến 10 (mười) ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận.
- Được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm so với doanh thu, thu nhập tại phương án trả nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận.
- Khách hàng được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.
- Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) được xác định phù hợp với mức độ khó khăn của khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
- Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN được thực hiện kể từ ngày 24/4/2023 có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024.
Như vậy, nếu đáp ứng các điều kiện vừa nêu thì ngân hàng được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng gặp khó khăn kể từ ngày 24/4/2023 đến hết ngày 30/6/2024.
* Lưu ý: Tổ chức tín dụng nêu trên không bao gồm ngân hàng chính sách xã hội.
4. Thông tư 03/2023/TT-NHNN - Ngân hàng được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 03/2023/TT-NHNN quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 24/4/2023.
Trong thời gian ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN thì tổ chức tín dụng được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom (sau đây gọi là trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết) mà tổ chức tín dụng đã bán
Và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán khi:
+ Đáp ứng các quy định về nguyên tắc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp tại Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN ;
+ Bên mua trái phiếu doanh nghiệp này từ tổ chức tín dụng thanh toán toàn bộ số tiền mua trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm tổ chức tín dụng ký kết hợp đồng bán trái phiếu doanh nghiệp cho bên mua trái phiếu;
+ Doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng tại thời điểm gần nhất trước khi tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp.
5. Thông tư 01/2023/TT-TANDTC - Quy định chi tiết điều kiện bổ nhiệm hòa giải viên tại Tòa án
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư 01/2023/TT-TANDTC hướng dẫn điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, có hiệu lực từ ngày 25/4/2023.
Theo đó, tại Thông tư 01/2023/TT-TANDTC hướng dẫn điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên tại Tòa án như sau:
* Xác định chuyên gia, nhà chuyên môn khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án:
Chuyên gia, nhà chuyên môn khác là người được đào tạo chuyên sâu, có kỹ năng thực hành công việc, có kinh nghiệm thực tiễn, lý luận chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể.
Ví dụ: chuyên gia tâm lý học, chuyên gia tài chính, chuyên gia sở hữu trí tuệ,...
* Xác định người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án:
Người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư là người hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán, dân tộc; có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư; có khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào trong phạm vi nhất định, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo.
Ví dụ: già làng, trưởng bản,... tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là người có uy tín, có hiểu biết phong tục tập quán trong cộng đồng dân cư.
6. Thông tư 14/2022/TT-BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc khí tượng áp dụng từ ngày 28/4/2023
Đây là nội dung tại Thông tư 14/2022/TT-BTNMT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc khí tượng do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, có hiệu lực từ ngày 28/4/2023 thay thế Thông tư 25/2012/TT-BTNMT.
Theo đó, đối tượng áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc khí tượng tại Thông tư 14/2022/TT-BTNMT là cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quan trắc khí tượng bề mặt và khí tượng trên cao.
Ngoài ra, trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc khí tượng tại Thông tư 14/2022/TT-BTNMT sử dụng các thuật ngữ nêu trong TCVN 12636-1:2019, TCVN 12636-6:2020, TCVN 12636-7:2020, QCVN 64:2017/BTNMT, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
- Trạm khí tượng trên cao (Upper-air station): là vị trí mà tại đó thực hiện quan trắc các yếu tố khí tượng trên cao.
- Trạm đo gió trên cao (Upper-wind observation station): là vị trí mà tại đó các quan trắc hướng và tốc độ gió trong khí quyển được thực hiện bằng phương tiện quang học hoặc điện tử.
- Quan trắc gió trên cao (Upper-wind observation): là quan trắc hướng và tốc độ gió trong khí quyển tại những độ cao xác định hoặc của một lần quan trắc thám không hoàn chỉnh.
7. Công văn 3054/BTNMT-QHPTTNĐ - Nhanh chóng tổ chức xác định giá đất để phê duyệt giá đất cụ thể
Vừa qua, Bộ TN&MT ban hành Công văn 3054/BTNMT-QHPTTNĐ năm 2023 về giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản, trong đó đề nghị các địa phương tổ chức xác định giá đất để phê duyệt giá đất cụ thể kịp thời hạn theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định 10/2023/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 04/05/2023.
Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/5/2023);
Trong đó quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành quyết định phê duyệt giá đất cụ thể trong thời gian không quá 90 ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cho phép chuyển từ hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm sang thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất.
Ngày 10/02/2023, Bộ TN&MT đã có Công văn 664/BTNMT-QHPTTNĐ gửi Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng kết việc thực hiện Thông tư 36/2014/TT-BTNMT và đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Ngày 23/3/2023, Bộ TN&MT đã có Công văn 1856/BTNMT-QHPTTNĐ gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất.
Hiện nay, Bộ TN&MT đang soạn thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 quy định chi tiết phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất; định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất.
Trong thời gian chưa sửa đổi, bổ sung Thông tư 36/2014/TT-BTNMT, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tổ chức xác định giá đất để phê duyệt giá đất cụ thể kịp thời hạn theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định 10/2023/NĐ-CP;
Đồng thời, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung tại Công văn 1856/BTNMT-QHPTTNĐ, bảo đảm việc định giá đất theo đúng quy định của pháp luật và không để chậm trễ trong việc xác định giá đất.
Ngoài chỉ đạo về công tác định gia đất, Bộ TN&MT cũng đồng thời có các chỉ đạo liên quan đến công tác lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và việc xử lý diện tích đất công xen kẹt nhỏ không thể tách thành dự án độc lập được.
Các tin khác