BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 02 - THÁNG 03/2023

10:00 | 20/03/2023
BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 02 - THÁNG 03/2023
(TỪ NGÀY 05.03.2023 – 20.03.2023)
VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
1. Nghị định 08/2023/NĐ-CP - Doanh nghiệp được phép thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu
Đây là nội dung được đề cập tại Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, có hiệu lực từ ngày 05/3/2023.
Cụ thể, việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP.
- Trường hợp kéo dài kỳ hạn của trái phiếu thì thời gian tối đa không quá 02 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.
(Hiện hành tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP thì doanh nghiệp không được thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành.
- Đối với người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.
Trường hợp có người sở hữu trái phiếu không chấp thuận phương án đàm phán thì doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người sở hữu trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư
(Kể cả trường hợp việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã được người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận).
 
2. Nghị quyết 33/NQ-CP - Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
Nghị quyết 33/NQ-CP về giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững do Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 11/3/2023.
Đơn cử đối với giải pháp hoàn thiện thể chế, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở, bất động sản đảm bảo đồng bộ, khả thi, trong đó tập trung:
- Khẩn trương xây dựng và trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Đấu giá (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi)...
- Tích cực nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội xem xét, ban hành “Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội”.
- Khẩn trương sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật nhằm tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn hiện nay liên quan đến triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản, phù hợp hơn với tình hình thực tiễn và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
- Nghiên cứu xây dựng và ban hành “Nghị định quy định về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị” để các địa phương thực hiện thuận lợi và thống nhất.
Đồng thời, các địa phương cần ban hành ngay các quy định, hướng dẫn, giải pháp tháo gỡ đối với các vướng mắc thuộc thẩm quyền quyết định; các vướng mắc thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khai thác và huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở nói riêng và thị trường bất động sản nói chung.
 
3. Quyết định 313/QĐ-NHNN, Quyết định 314/QĐ-NHNN - Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất điều hành
Nội dung được đề cập tại Quyết định 313/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 14/3/2023.
và Quyết định 314/QĐ-NHNN về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016, có hiệu lực từ ngày 15/3/2023.
Cụ thể, tại Quyết định 313/QĐ-NHNN điều chỉnh giảm các mức lãi suất như sau:
- Lãi suất tái chiết khấu: 3,5%/năm;
- Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 6,0%/năm.
Các mức lãi suất trên giảm 1,0%/năm so với Quyết định 1809/QĐ-NHNN ngày 24/10/2022.
Còn tại Quyết định 314/QĐ-NHNN (thay thế Quyết định 1813/QĐ-NHNN ngày 24/10/2022), lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm;
- Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.
 
4. Thông tư 20/2022/TT-BKHCN - Danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi lĩnh vực KH&CN tại địa phương
Đây là nội dung tại Thông tư 20/2022/TT-BKHCN quy định Danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực KH&CN tại chính quyền địa phương, có hiệu lực từ ngày 15/3/2023.
Theo đó, danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi lĩnh vực KH&CN tại địa phương bao gồm các nhóm vị trí sau:
- Quản lý các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ;
- Thẩm định, giám định công nghệ dự án đầu tư và chuyển giao công nghệ;
- Hoạt động an toàn bức xạ và hạt nhân;
- Hoạt động sở hữu trí tuệ;
- Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng;
- Thẩm định, cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ; Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Thẩm định hồ sơ thành lập tổ chức khoa học và công nghệ; cấp giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ;
- Hợp tác, trao đổi khoa học và công nghệ có yếu tố nước ngoài.
 
5. Nghị định 02/2023/NĐ-CP - Các trường hợp công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký
Nghị định 02/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước, có hiệu lực từ ngày 20/3/2023.
Theo đó, các trường hợp công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký, bao gồm:
- Hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ từ 0,01 - 0,2 triệu m3 hoặc công trình khai thác, sử dụng nước mặt khác cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm các mục đích khác có quy mô thuộc trường hợp phải cấp phép) với lưu lượng khai thác lớn hơn 0,1 - 0,5 m3/giây;
Trường hợp hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ từ 0,01 triệu m3 đến 0,2 triệu m3 có các mục đích khai thác, sử dụng nước có quy mô khai thác thuộc trường hợp phải có giấy phép thì phải thực hiện xin phép theo quy định.
- Khai thác, sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất trên đất liền bao gồm cả nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ với quy mô trên 10.000 - 100.000 m3/ngày đêm;
- Khai thác, sử dụng nước dưới đất thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 16 Nghị định 02/2023/NĐ-CP và các trường hợp quy định tại điểm a, điểm d khoản 1 Điều 44 Luật Tài nguyên nước 2012 nằm trong danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất do UBND cấp tỉnh công bố;
- Sử dụng nước dưới đất tự chảy trong moong khai thác khoáng sản để tuyển quặng mà không gây hạ thấp mực nước dưới đất hoặc bơm hút nước để tháo khô lượng nước tự chảy vào moong khai thác khoáng sản. 
 
6. Thông tư 07/2023/TT-BTC - Mức thu phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường
Thông tư 07/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định, có hiệu lực từ ngày 20/3/2023.
Theo đó, mức thu phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định dựa trên tổng vốn đầu tư dự án, đơn cử như sau:
- Đến 10 tỷ đồng: mức phí 6 triệu đồng;
- Trên 10 đến 20 tỷ đồng: mức phí 9 triệu đồng;
- Trên 20 đến 50 tỷ đồng: mức phí 15 triệu đồng;
- Trên 50 đến 100 tỷ đồng: mức phí 27 triệu đồng;
- Trên 100 đến 200 tỷ đồng: mức phí 30 triệu đồng;
- Trên 200 đến 500 tỷ đồng: mức phí 39 triệu đồng;
- Trên 500 đến 1000 tỷ đồng: mức phí 44 triệu đồng;
- Trên 1000 đến 1500 tỷ đồng: mức phí 48 triệu đồng;
- Trên 1500 đến 2000 tỷ đồng: mức phí 49 triệu đồng;
- Trên 7000 tỷ đồng: mức phí 61 triệu đồng.
Hiện hành mức thu phí thẩm định được chia thành 02 trường hợp (dựa trên cùng hoặc không cùng một cơ quan thẩm quyền phê duyệt).