BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 08/2021
BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 08/2021
(TỪ NGÀY 21.07.2021 - 05.08.2021)
VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
1. Thông tư 10/2021/TT-NHNN
Thông tư 10/2021/TT-NHNN quy định về tái cấp vốn đối với ngân hàng chính sách xã hội theo quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2021 của thủ tướng chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch covid-19 có hiệu lực từ ngày 21/7/2021
Theo đó, thực hiện tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội như sau:
- Tổng số tiền tái cấp vốn tối đa 7.500 tỷ đồng.
- Lãi suất tái cấp vốn:
+ Lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm.
+ Lãi suất tái cấp vốn quá hạn là 0%/năm.
- Thời hạn tái cấp vốn:
+ Thời hạn tái cấp vốn là 364 ngày, tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội.
+ Thời hạn tái cấp vốn nêu trên được áp dụng đối với từng lần giải ngân theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Thông tư 10/2021.
+ Thời hạn giải ngân tái cấp vốn tính từ ngày ký khế ước nhận nợ đầu tiên đến hết ngày 31/12/2022 hoặc đến khi giải ngân hết 7.500 tỷ đồng tùy theo điều kiện nào đến trước.
2. Thông tư 58/2021/TT-BQP
Thông tư 58/2021/TT-BQP hướng dẫn thực hiện quy định về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế có hiệu lực từ ngày 23/7/2021
Theo Thông tư, các trường hợp sử dụng đất quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế phải nộp tiền sử dụng đất, thuê đất hằng năm gồm:
- Đơn vị tiếp tục thực hiện dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết theo phương án xử lý được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 3 Thông tư 58/2021.
- ĐVSN công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư sử dụng đất quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo phương án sử dụng đất được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt.
- Doanh nghiệp quân đội sử dụng đất quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo phương án xử lý hoặc phương án sử dụng đất được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt;
Doanh nghiệp quân đội thuộc danh mục cổ phần hóa, thoái vốn được tiếp tục sử dụng đất quốc phòng theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 7 Nghị quyết 132/2020/QH14 ngày 17/11/2020.
- Công ty có cổ phần, vốn góp của Nhà nước do Bộ Quốc phòng cử Người đại diện, công ty cổ phần đang sử dụng đất quốc phòng theo hợp đồng thuê đất, hợp đồng sử dụng đất đã ký với Bộ Quốc phòng trước ngày 01/02/2021, tiếp tục nộp tiền sử dụng đất hằng năm theo hợp đồng đã ký và theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị quyết 132/2020.
3. Thông tư 03/2021/TT-BKHCN
Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành Thông tư 03/2021/TT-BKHCN ngày 11/6/2021 về quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 có hiệu lực từ ngày 26/7/2021 và thay thế Thông tư 17/2017/TT-BKHCN ngày 29/12/2017.
Theo đó, nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 bao gồm các nhiệm vụ thường xuyên và các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN).
- Nhiệm vụ thường xuyên thuộc Chương trình:
Là nhiệm vụ gắn với chức năng, chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan quản lý Chương trình, được thực hiện theo các quy định hiện hành về chế độ và định mức chi tiêu ngân sách nhà nước, thanh toán theo hợp đồng và thực tế phát sinh trong phạm vi dự toán của cơ quan quản lý Chương trình được phê duyệt, bao gồm:
+ Hỗ trợ đăng ký bảo hộ ở trong và ngoài nước đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới quy định tại điểm a khoản 2 mục II Điều 1 Quyết định 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030;
+ Biên soạn, phát hành tài liệu về sở hữu trí tuệ quy định tại điểm b khoản 6 mục II Điều 1 Quyết định 2205;
+ Vinh danh, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động sở hữu trí tuệ quy định tại điểm d khoản 6 mục II Điều 1 Quyết định 2205.
- Nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình:
Là các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, cấp bộ và cấp tỉnh sử dụng kinh phí sự nghiệp KH&CN của Nhà nước thông qua tuyển chọn hoặc giao trực tiếp để thực hiện các nội dung quy định tại mục II Điều 1 Quyết định 2205, trừ các nhiệm vụ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Thông tư 03/2021.
4. Thông tư 40/2021/TT-BTC
Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hiệu lực từ ngày 01/8/2021.
Theo đó, phương pháp khai thuế theo từng lần phát sinh áp dụng với cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định, bao gồm:
- Cá nhân kinh doanh lưu động;
- Cá nhân là chủ thầu xây dựng tư nhân;
- Cá nhân chuyển nhượng tên miền internet quốc gia Việt Nam “.vn”;
- Cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số nếu không lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai.
Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh thực hiện khai thuế khi có phát sinh doanh thu chịu thuế.
5. Thông tư 2/2021/TT-BNV
Thông tư 2/2021/TT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính, văn thư có hiệu lực từ ngày 01/8/2021.
Theo đó, công chức được bổ nhiệm vào các ngạch công chức chuyên ngành hành chính được áp dụng Bảng 2 ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP như sau:
- Ngạch Chuyên viên cao cấp (mã số 01.001) áp dụng bảng lương công chức (BLCC) loại A3, nhóm 1 (A3.1), từ hệ số lương 6,20 đến 8,00;
- Ngạch Chuyên viên chính (mã số 01.002) áp dụng BLCC loại A2, nhóm 1 (A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến 6,78;
- Ngạch Chuyên viên (mã số 01.003) áp dụng BLCC loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến 4,98;
- Ngạch Cán sự (mã số 01.004) áp dụng BLCC loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến 4,89;
- Ngạch Nhân viên (mã số 01.005) áp dụng BLCC loại B, từ hệ số lương 1,86 đến 4,06.
6. Thông tư 45/2021/TT-BTC
Thông tư 45/2021/TT-BTC hướng dẫn áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết có hiệu lực từ ngày 03/8/2021.
Theo đó, giao dịch được đề nghị áp dụng APA là các giao dịch liên kết được quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 132/2020/NĐ-CP và phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
- Thực tế đã phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế và sẽ tiếp tục diễn ra trong giai đoạn đề nghị áp dụng APA;
- Có cơ sở để xác định được bản chất giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế và có cơ sở để phân tích, so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Nghị định 132/2020, dựa trên các thông tin, dữ liệu tuân thủ quy định tại điểm b khoản 6 Điều 42 Luật Quản lý thuế 2019;
- Không thuộc trường hợp có tranh chấp, khiếu nại về thuế;
- Được thực hiện minh bạch, không nhằm mục đích trốn, tránh thuế hoặc lợi dụng Hiệp định thuế.