BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 02 - THÁNG 6/2021
BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 02 - THÁNG 6/2021
(TỪ NGÀY 05.06.2021 - 20.06.2021)
VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
1. Nghị định 58/2021/NĐ-CP quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng
Ngày 10/6/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 58/2021/NĐ-CP quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng, trong đó có giải thích rõ khái niệm thông tin tín dụng và các loại thông tin tín dụng được phép thu thập.
Thông tin tín dụng là gì?
Thông tin tín dụng là dữ liệu, số liệu, dữ kiện liên quan của khách hàng vay tại tổ chức tham gia của công ty thông tin tín dụng. (Khoản 1 Điều 3 Nghị định 58/2021)
Trong đó, khách hàng vay là tổ chức, cá nhân được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng hoặc được tổ chức tham gia khác cung cấp dịch vụ cho thuê tài sản, mua hàng trả chậm, trả dần, cầm đồ có điều kiện về lãi suất, thời hạn, tiền thuê, biện pháp bảo đảm nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
Thông tin định danh là thông tin định danh khách hàng vay theo quy định của Chính phủ về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thông tin tiêu cực về khách hàng vay là thông tin tín dụng về nợ xấu, vi phạm nghĩa vụ thanh toán, vi phạm pháp luật, bị khởi kiện, bị khởi tố và các thông tin bất lợi khác ảnh hưởng đến kết quả đánh giá khách hàng vay.
Thông tin tín dụng được thu thập
Theo khoản 2 Điều 18 Nghị định 58/2021, thông tin tín dụng được thu thập bao gồm:
- Thông tin định danh của khách hàng vay, người có liên quan của khách hàng vay theo quy định pháp luật hiện hành;
- Thông tin về lịch sử cấp tín dụng, thuê tài sản, mua hàng trả chậm, trả dần, cầm đồ;
- Thông tin về lịch sử trả nợ, số tiền đã đến hạn hoặc chưa đến hạn, thời hạn phải trả, hạn mức tín dụng, nhóm nợ, việc bán nợ, thực hiện cam kết ngoại bảng và kết quả chấm điểm xếp hạng của khách hàng vay;
- Thông tin về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ của khách hàng vay;
- Các thông tin liên quan khác bảo đảm không vi phạm quyền hợp pháp của khách hàng vay, không bao gồm thông tin về khách hàng vay thuộc danh mục bí mật nhà nước.
Lưu ý: Thông tin tín dụng quy định nêu trên không bao gồm thông tin về việc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro đối với các khoản cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Nghị định 58/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/5/2021 va thay thế Nghị định 10/2010/NĐ-CP và Nghị định 57/2016/NĐ-CP.
2. Nghị định 59/2021/NĐ-CP quy định một số đặc thù về tài chính với Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Ngày 18/6/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 59/2021/NĐ-CP quy định về nội dung đặc thù về cơ chế quản lý tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Theo đó, quy định một số nội dung đặc thù về tài chính với Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, đơn cử như:
*Đầu tư ra ngoài doanh nghiệp
Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, chỉ được đầu tư ra ngoài doanh nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
*Doanh thu
Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam quản lý doanh thu và thu nhập khác theo quy định tại Điều 30 Nghị định 91/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Doanh thu của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam bao gồm:
- Doanh thu từ hoạt động nghiệp vụ bao gồm doanh thu từ hoạt động quản lý thành viên; doanh thu từ hoạt động nghiệp vụ khác theo quy định của pháp luật;
- Doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ bao gồm doanh thu từ dịch vụ cung cấp thông tin; doanh thu từ dịch vụ hạ tầng công nghệ cho thị trường chứng khoán; doanh thu dịch vụ khác theo quy định của pháp luật;
- Doanh thu và thu nhập từ hoạt động đầu tư vốn vào công ty con bao gồm khoản thu lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ tại công ty con, thu khoản chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ của công ty con; doanh thu hoạt động tài chính và thu nhập khác theo quy định của pháp luật.
*Chi phí
Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam quản lý chi phí theo quy định tại Điều 30 Nghị định 91/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
*Đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp
Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam thực hiện đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp của doanh nghiệp nhà nước.
Xem chi tiết nội dung cơ chế tài chính đặc thù của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam tại Nghị định 59/2021/NĐ-CP.
Nghị định 59/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 06/8/2021.
3. Thông tư 58/2021/TT-BQP ngày 07/6/2021 về các trường hợp sử dụng đất Quốc phòng kết hợp sản xuất phải nộp tiền sử dụng đất.
Theo Thông tư 58/2021/TT-BQP ngày 07/6/2021, các trường hợp sử dụng đất (SDĐ) quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế phải nộp tiền SDĐ, thuê đất hằng năm gồm:
- Đơn vị tiếp tục thực hiện dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết theo phương án xử lý được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 3 Thông tư 58/2021.
- ĐVSN công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (sau đây viết gọn là ĐVSN công lập tự đảm bảo) SDĐ quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo phương án sử dụng đất được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt.
- DN quân đội SDĐ quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo phương án xử lý hoặc phương án SDĐ được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt;
DN quân đội thuộc danh mục cổ phần hóa, thoái vốn được tiếp tục SDĐ quốc phòng theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 7 Nghị quyết 132/2020/QH14 ngày 17/11/2020.
- Công ty có cổ phần, vốn góp của Nhà nước do Bộ Quốc phòng cử Người đại diện, công ty cổ phần đang SDĐ quốc phòng theo hợp đồng thuê đất, hợp đồng SDĐ đã ký với Bộ Quốc phòng trước ngày 01/02/2021, tiếp tục nộp tiền SDĐ hằng năm theo hợp đồng đã ký và theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị quyết 132/2020.
Thông tư 58/2021/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 23/7/2021.
4. Thông tư 02/2021/TT-BCT Quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định UKVFTA
Ngày 11/6/2021, Bộ Công thương ban hành Thông tư 02/2021/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (Hiệp định UKVFTA).
Theo đó, quy định chung về cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa như sau:
- Hàng hóa có xuất xứ Vương quốc Anh nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan theo UKVFTA khi nộp một trong những chứng từ chứng nhận xuất xứ sau:
+ Có được phát hành theo quy định từ Điều 20 đến Điều 23 Thông tư 02/2021.
+ Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ theo quy định tại Điều 24 Thông tư 02/2021 do nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định của Vương quốc Anh phát hành đối với lô hàng có trị giá bất kỳ; hoặc nhà xuất khẩu bất kỳ phát hành đối với lô hàng không quá 6.000 EUR (sáu ngàn ơ-rô).
+ Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ phát hành bởi nhà xuất khẩu đăng ký tại cơ sở dữ liệu điện tử theo quy định của Vương quốc Anh sau khi Vương Quốc Anh thông báo với Việt Nam về cơ chế chứng nhận đối với hàng hóa có xuất xứ từ Vương Quốc Anh.
Thông báo này có thể bao gồm cả nội dung về việc Vương quốc Anh ngừng áp dụng điểm a và điểm b khoản 1 Điều 19 Thông tư 02/2021.
- Hàng hóa có xuất xứ Việt Nam nhập khẩu vào Vương quốc Anh được hưởng ưu đãi thuế quan theo UKVFTA khi có một trong những chứng từ chứng nhận xuất xứ sau:
+ C/O được phát hành theo quy định tại Điều 4 và từ Điều 20 đến Điều 23 Thông tư 02/2021.
+ Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ theo quy định tại Điều 25 Thông tư 02/2021 phát hành bởi nhà xuất khẩu có lô hàng trị giá không quá 6.000 EUR (sáu ngàn ơ-rô).
+ Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ phát hành bởi nhà xuất khẩu theo quy định của Bộ Công Thương.
+ Việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa quy định tại điểm c khoản 2 Điều 19 Thông tư 02/2021 thực hiện theo quy định của Bộ Công Thương và áp dụng sau khi Việt Nam thông báo với Vương quốc Anh.
- Trong trường hợp áp dụng Điều 29 Thông tư 02/2021, hàng hóa có xuất xứ sẽ được hưởng ưu đãi theo UKVFTA mà không cần nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa quy định tại Điều 19 Thông tư 02/2021.
Thông tư 02/2021/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 27/6/2021.
5. Thông tư 45/2021/TT-BTC hướng dẫn áp dụng APA trong quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Ngày 18/6/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 45/2021/TT-BTC hướng dẫn việc áp dụng cơ chế Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Theo đó, Thông tư 45/2021/TT-BTC hướng dãn thi hành Điều 41 Nghị định 126/2020/NĐ-CP về việc áp dụng cơ chế Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Các nội dung khác về cơ chế APA được thực hiện theo Luật Quản lý thuế, Nghị định 132/2020/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Giao dịch được đề nghị áp dụng APA là các giao dịch liên kết được quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 132/2020/NĐ-CP.
Theo khoản 2 Điều 1 Nghị định 132/2020/NĐ-CP, các giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này là các giao dịch mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận mua, bán, sử dụng chung nguồn lực như tài sản, vốn, lao động, chia sẻ chi phí giữa các bên có quan hệ liên kết, trừ các giao dịch kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh giá của Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.
Điều kiện để giao dịch được đề nghị áp dụng APA
Giao dịch được đề nghị áp dụng APA phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
- Giao dịch thực tế đã phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế và sẽ tiếp tục diễn ra trong giai đoạn đề nghị áp dụng APA.
- Giao dịch có cơ sở để xác định được bản chất giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế và có cơ sở để phân tích, so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập theo quy định tại Điều 16, 17 Nghị định 132/2020/NĐ-CP, dựa trên các thông tin, dữ liệu tuân thủ quy định tại điểm b khoản 6 Điều 42 Luật Quản lý thuế.
- Giao dịch không thuộc trường hợp có tranh chấp, khiếu nại về thuế.
- Giao dịch được thực hiện minh bạch, không nhằm mục đích trốn, tránh thuế hoặc lợi dụng Hiệp định thuế.
Thông tư 45/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 03/8/2021 và thay thế Thông tư 201/2013/TT-BTC.