BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 02 - THÁNG 3/2021
BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 02 - THÁNG 3/2021
(TỪ NGÀY 05.03.2021 – 20.03.2021)
A. VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
1. Nghị định 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 sửa đổi Nghị định 134/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Chính phủ ban hành Nghị định 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 sửa đổi Nghị định 134/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
- Đối với các dự án đầu tư, trồng sản phẩm nông sản thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định 18/2021 đang được hưởng chính sách ưu đãi thuế theo quy định của pháp luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu trước ngày 25/4/2021 thì tiếp tục được hưởng chính sách miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 18/2021 trong thời gian còn lại của Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Trường hợp Campuchia điều chỉnh địa giới hành chính dẫn đến tên tỉnh Campuchia nêu tại Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp đang được hưởng chính sách ưu đãi miễn thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 18/2021 không còn là tỉnh tiếp giáp biên giới Việt Nam thì doanh nghiệp tiếp tục được hưởng chính sách ưu đãi miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định 18/2021 trong thời gian còn lại của Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
- Quy định chuyển tiếp đối với hàng hóa xuất khẩu tại chỗ, nhập khẩu tại chỗ:
Việc áp dụng thuế suất đối với hàng hoá xuất khẩu tại chỗ, nhập khẩu tại chỗ theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 18/2021 được áp dụng kể từ ngày Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 có hiệu lực thi hành (ngày 01/9/2016).
- Quy định chuyển tiếp về thủ tục miễn thuế:
+ Trường hợp danh mục hàng hoá miễn thuế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định tại Điều 29 Nghị định 134/2016/NĐ-CP trước ngày 25/4/2021 thì người nộp thuế được tiếp tục sử dụng danh mục miễn thuế này cho đến khi nhập khẩu hết số lượng hàng hoá ghi trong danh mục miễn thuế đã được phê duyệt;
+ Sổ định mức miễn thuế đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước ngày 25/4/2021 và còn thời hạn sử dụng thì tiếp tục được sử dụng số cho đến khi hết thời hạn ghi trên số hoặc khi có tăng, giảm biên chế (đối với tổ chức, cơ quan).
Nghị định 18/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/4/2021.
2. Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó tăng mạnh mức trợ cấp xã hội hàng tháng từ ngày 01/7/2021.
Theo Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng gồm:
(1). Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi;
- Mồ côi cả cha và mẹ;
- Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật;
- Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội;
- Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chỉnh tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Cả cha và mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật;
- Cả cha và mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội;
- Cả cha và mẹ đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Cha hoặc mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội;
- Cha hoặc mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Cha hoặc mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giảo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
(2) Người thuộc diện quy định tại mục (1) đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng mà đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.
(3) Trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo.
(4) Người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có chồng hoặc chưa có vợ, đã có chồng hoặc vợ nhưng đã chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 đến 22 tuổi và người con đó đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất quy định tại mục (2) (sau đây gọi chung là người đơn thân nghèo đang nuôi con).
(5) Người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định sau đây:
- Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng (*);
- Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn;
- Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại (*) mục này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng;
- Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.
(6) Người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định pháp luật về người khuyết tật.
(7) Trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc đối tượng quy định tại các mục (1), (3) và (6) đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn (quy định mới).
(8) Người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng như tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng.
Nghị định 20/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2021 và Nghị định 136/2013/NĐ-CP; Điều 17 Nghị định 140/2018/NĐ-CP; các điều từ Điều 40 đến Điều 43 Nghị định 103/2017/NĐ-CP; các điều từ Điều 15 đến Điều 23 Nghị định 28/2012/NĐ-CP hết hiệu lực kể từ ngày 01/7/2021.
3. Thông tư 01/2021/TT-TTCP về quy định quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, trong ngành Thanh tra và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân.
Ngày 11/3/2021, Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư 01/2021/TT-TTCP về quy định quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, trong ngành Thanh tra và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân.
Theo đó, cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân phải tuân thủ các quy tắc ứng xử sau:
- Việc tiếp dân phải bảo đảm công khai, khách quan, dân chủ, kịp thời; thủ tục đơn giản, thuận tiện và giữ bí mật cho người tố cáo;
- Tôn trọng, lắng nghe, giải thích cặn kẽ những thắc mắc liên quan đến nội dung và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
- Có thái độ đúng mực, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày;
- Giải thích, hướng dẫn giúp người đến người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh chấp hành các chủ trương, chính sách, kết luận, quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyển; hướng dẫn đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền để giải quyết;
- Yêu cầu người vi phạm nội quy nơi tiếp công dân chấm dứt hành vi vi phạm; trong trường hợp cần thiết, lập biên bản về việc vi phạm và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Thông tư 01/2021/TT-TTCP có hiệu lực từ ngày 01/5/2021.
B. VĂN BẢN CẦN LƯU Ý
Nghị định 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng
Ngày 03/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Theo đó, Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Xây dựng 2014 và Luật Xây dựng sửa đổi 2020 về quản lý dự án đầu tư xây dựng, gồm:
- Lập, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế xây dựng;
- Khảo sát xây dựng;
- Cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng;
- Xây dựng công trình đặc thù và thực hiện dự án đầu tư xây dựng tại nước ngoài;
- Quản lý năng lực hoạt động xây dựng;
- Hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Nghị định 15/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày ký ban hành và thay thế Nghị định 59/2015/NĐ-CP, Nghị định 42/2017/NĐ-CP, Điều 1, Điều 4, từ Phụ lục I đến Phụ lục IX Nghị định 100/2018/NĐ-CP.