BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 04.2020

10:40 | 16/04/2020

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 04/2019

1.         Gia hạn thời hạn nộp thuế

Ngày 08/04/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Theo đó, các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một số ngành nghề nêu tại Điều 2 Nghị định này sẽ được  gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, đơn cử như:

- Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế), sản xuất ô tô và xe có động cơ khác…- Các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch…

- Kinh doanh  vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hộị; hoạt động kinh doanh bất động sản…

- Sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm.

Ngoài ra, quy định này còn áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hỗ trợ  khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid - 19.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 08/04/2020.

2.         Nghị quyết hỗ trợ người dân gặp khó khăn do COVID-19

Ngày 09/04/2020, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Theo đó, các đối tượng người lao động (NLĐ) sau đây sẽ được hỗ trợ tiền:

- NLĐ làm việc theo HĐLĐ phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không lương từ 01 tháng trở lên do doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch, không có doanh thu, không có nguồn tài chính để trả lương:

+ Mức hỗ trợ là 1,8 triệu đồng/người/tháng.

+ Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 01/4/2020 và không quá 3 tháng.

- NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc nhưng không

 đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; NLĐ không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm:+ Mức hỗ trợ là 01 triệu đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng.

+ Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6/2020.

Ngoài ra, một số đối tượng khác cũng được hỗ trợ tiền như người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; hộ nghèo; hộ cận nghèo…

3.         Các ngành nghề Người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài bị cấm

Ngày 03/04/2020, Chính phủ thông qua Nghị định 38/2020/NĐ-CP về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo đó, người lao động không được đến nước ngoài để làm công việc massage tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí. Ngoài ra, người lao động cũng không được thực hiện các công việc sau ở nước ngoài: Công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ, chất độc hại trong luyện quặng kim loại màu; Tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở, khai thác quặng phóng xạ các loại; Săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập; Liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả; Công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn…

Bên cạnh đó, người lao động đến làm việc tại nước ngoài cũng không được đến làm việc tại các khu vực: Khu vực đang có chiến sự hoặc đang có nguy cơ xảy ra chiến sự, khu vực đang bị nhiễm xạ, khu vực bị nhiễm độc, khu vực đang có dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ngoài việc thành lập và hoạt động theo đúng pháp luật Việt Nam còn phải có: Vốn pháp định không thấp hơn 05 tỷ đồng; chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/5/2020.

4.         Bổ sung quy định về an toàn cháy với các tòa nhà văn phòng

Ngày 06/04/2020, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 01/2020/TT-BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình. Theo đó, quy định bổ sung về an toàn cháy đối với các nhà thuộc nhóm F1.2 (khách sạn, ký túc xá,…), F4.3 (các cơ sở của các cơ quan quản lý, văn phòng,…) và nhà hỗn hợp có chiều cao từ 50 m đến 150 m, đơn cử:

- Các gian phòng tập trung đông người:

+ Có số chỗ ngồi cố định từ 300 đến 600 chỗ - không được đặt ở độ cao trên 15 m;

+ Có số chỗ ngồi cố định từ 150 đến 300 chỗ - không được đặt ở độ cao trên 40 m,

+ Có số chỗ ngồi cố định từ 100 đến 150 chỗ - không được đặt ở độ cao trên 50 m.

+ Các gian phòng công cộng đặt ở độ cao trên 50 m thì số chỗ ngồi cố định không được vượt quá 100.

- Hành lang phải được phân chia thành các khoang ngăn cách nhau bằng vách ngăn cháy loại 1; cửa ngăn cháy lắp đặt trên các vách ngăn cháy phải có cơ cấu tự đóng, các khe cửa phải được che kín (trừ phần chân)…

Thông tư này  có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 và thay thế Thông tư 07/2010/TT-BXD ngày 28/7/2010.

5.         Thời gian thẩm định chương trình, dự án đầu tư công

Ngày 06/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 40/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư công. Theo đó, quy định thời gian thẩm định chương trình, dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng kể từ ngày cơ quan chủ trì thẩm định nhận đủ hồ sơ hợp lệ như sau:

- Chương trình mục tiêu quốc gia: Không quá 60 ngày;

- Chương trình đầu tư công (không bao gồm chương trình mục tiêu quốc gia): Không quá 45 ngày;

- Dự án nhóm A: Không quá 45 ngày;

- Dự án nhóm B, C: Không quá 30 ngày.

Thời gian thẩm định dự án đầu tư công có cấu phần xây dựng thực hiện theo quy định pháp luật về xây dựng.

Thời gian thẩm định nội bộ do người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quy định.

Trường hợp cần gia hạn thời gian thẩm định chương trình, dự án, Hội đồng thẩm định hoặc cơ quan chủ trì thẩm định phải báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình, dự án cho phép gia hạn thời gian thẩm định.

Thời gian gia hạn không quá thời gian thẩm định tương ứng được quy định nêu trên.

Nghị định này chính thức có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.