Bản tin pháp luật số 01- Tháng 11/2018
BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 11/2018
1. Xác định đầy đủ giá trị sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp
Đây là nội dung chỉ đạo của Bộ Xây dựng nêu tại Chỉ thị 03/CT-BXD về việc rà soát tình hình quản lý, sử dụng đất của các doanh nghiệp do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu và các đơn vị có vốn góp của doanh nghiệp ban hành ngày 5/11/2018.
Theo nội dung chỉ thị, Tổng công ty có vốn Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu khi bàn giao vốn để cổ phần hóa phải thực hiện các nội dung sau;
- Rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng và lập phương án sắp xếp lại;
- Hoàn thiện phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp theo quy định của pháp luật đất đai;
- Xác định đầy đủ giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy định.
Hội đồng thành viên, Người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nghiêm túc triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả rà soát, báo cáo kết quả về Bộ Xây dựng trước ngày 30/11/2018./.
2. Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc
Ngày 07/11/2018, Nghị định 149/2018/NĐ-CP hướng dẫn khoản 3 Điều 63 của Bộ Luật lao động về Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Theo đó, Nghị định đưa ra quy định về các nội dung người lao động được tham gia ý kiến, đơn cử như:
- Xây dựng, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động, đề xuất nội dung thương lượng tập thể;
- Xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế và và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động;
- Đề xuất, thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ;
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.
3. Đã có Bảng tỷ lệ điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ
Ngày 07/11/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 153/2018/NĐ-CP về chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam do thay đổi cách tính lương hưu.
Theo đó, việc điều chỉnh áp dụng với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 01/01/2018 đến 31/12/2021, có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng.
Tùy vào thời gian đã đóng BHXH và thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu thì:
Mức lương hưu được điều chỉnh = Mức lương hưu tính theo Khoản 2 Điều 56 hoặc Khoản 2 Điều 74 Luật BHXH 2014 + Mức điều chỉnh.
Trong đó:
Mức điều chỉnh = Mức lương hưu tính tại thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu X Tỷ lệ điều chỉnh.
Tỷ lệ điều chỉnh được quy định chi tiết trong Bảng tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 153; đơn cử như sau:
- Thời gian đã đóng BHXH 20 năm: 7,27% (năm 2018); 5,45% (năm 2019); 3,64% (năm 2020); 1,82% (năm 2021);
- Thời gian đã đóng BHXH 29 năm 01 tháng – 29 năm 6 tháng: 1,08% (năm 2018); 0,81% (năm 2019); 0,54% (năm 2020); 0,27% (năm 2021);
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 24/12/2018.
4. Nguyên tắc chuyển giao doanh nghiệp về Ủy ban quản lý vốn nhà nước (“NN”)
Ngày 09/11/2018, Chính phủ ban hành Quyết định 1515/QĐ-TTg về trình tự, thủ tục, hồ sơ chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn NN về Ủy ban Quản lý vốn NN tại doanh nghiệp.
Theo đó, việc thực hiện chuyển giao phải tuân thủ các quy định về chuyển giao tại Nghị định 131/2018/NĐ-CP và các quy định sau:
- Bàn giao hồ sơ nguyên trạng đối với từng doanh nghiệp chuyển giao, phần vốn nhà nước chuyển giao;
- Đảm bảo nguyên tắc phân công trách nhiệm quản lý doanh nghiệp trong quá trình chuyển tiếp theo quy định tại Điều 3 Nghị định 131;
- Đối với doanh nghiệp NN đang thực hiện cổ phần hóa thì nội dung chuyển giao phải bao gồm cả kết quả công việc cổ phần hóa;
- Người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên, Người đại diện vốn nhà nước có trách nhiệm tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong quá trình chuyển giao.
- Cơ quan chuyển giao có trách nhiệm xác định số tiền dư quỹ chung về tiền lương, thù lao, tiền thưởng và các lợi ích khác của Người đại diện vốn NN, Kiểm soát viên do doanh nghiệp chi trả đến thời điểm ký Biên bản chuyển giao.
Quyết định 1515/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
5. Ban hành mới Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam
Ngày 01/11/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 43/2018/QĐ-TTg Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam.
Theo đó, do hệ thống ngành sản phẩm được xây dựng dựa trên Hệ thống ngành kinh tế nên việc ban hành Hệ thống ngành sản phẩm mới là để phù hợp với Hệ thống ngành kinh tế được ban hành ngày 06/7/2018.
Danh mục hệ thống bao gồm 7 cấp được mã hóa tương ứng như sau:
- Cấp 1 gồm 21 ngành sản phẩm được mã hóa theo bảng chữ cái từ A đến U;
- Cấp 2 gồm các ngành sản phẩm mà mỗi ngành được mã hóa bằng hai số theo từng ngành cấp 1 tương ứng;
- Cấp 3 gồm các ngành sản phẩm mà mỗi ngành được mã hóa bằng ba số theo từng ngành cấp 2 tương ứng;
- Cấp 4 gồm các ngành sản phẩm mà mỗi ngành được mã hóa bằng bốn số theo từng ngành cấp 3 tương ứng;
- Cấp 5 gồm các ngành sản phẩm mà mỗi ngành được mã hóa bằng năm số theo từng ngành cấp 4 tương ứng;
- Cấp 6 gồm các nhóm sản phẩm được mã hóa bằng sáu số theo từng ngành cấp 5 tương ứng;
- Cấp 7 gồm các sản phẩm được mã hóa bằng bảy số theo từng ngành cấp 6 tương ứng.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 20/12/2018.
6. Dự thảo Luật thảo chứng khoán sửa đổi
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đăng tải toàn văn dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) và dự thảo Tờ trình Chính phủ của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) bao gồm 10 chương và 137 điều. Trong đó, dự thảo này có một số điểm đáng chú ý như sau:
- Vốn điều lệ dưới 30 tỷ không được chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Ngoài điều kiện về vốn điều lệ đã góp, hoạt động kinh doanh của tổ chức phát hành phải có lãi trong 02 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán;
- Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH hoặc công ty cổ phần theo quy định tại luật doanh nghiệp, hoạt động theo Luật chứng khoán;
- Bổ sung quy định về quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán. Quỹ bảo vệ nhà đầu tư được sử dụng để bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư đối với trường hợp CTCK mất khả năng hoàn trả tài sản của nhà đầu tư đã nhận quản lý;
- Mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính là 3 tỷ đối với tổ chức và 1,5 tỷ đối với cá nhân.
Chi tiết của Dự thảo xem tại đây.