BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 11/2021

15:13 | 05/11/2021

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 11/2021

(TỪ NGÀY 21.10.2021 – 05.11.2021)

VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH

1.  Quy định 37-QĐ/TW

Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, có hiệu lực từ ngày 25/10/2021 thay thế Quy định 47-QĐ/TW ngày 01/11/2011).
So với trước đây, thì Quy định mới vẫn giữ nguyên 19 điều đảng viên không được làm, nhưng có bổ sung, làm rõ một số nội dung, đơn cử như:
- Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh;
- Không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi;
- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp;
- Nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài trái quy định;
- “Tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh;…

2. Thông tư 08/2021/TT-NHNN

Thông tư 08/2021/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng (TCTD) được kiểm soát đặc biệt, có hiệu lực từ ngày 27/10/2021.
Theo đó, sửa đổi quy định cho vay đặc biệt với TCTD được kiểm soát đặc biệt, đơn cử như:
- Về thời hạn cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản đối với TCTD khi TCTD có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trong thời gian TCTD được kiểm soát đặc biệt:
Do Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định nhưng dưới 12 tháng.
Hiện hành, theo Thông tư 01/2018/TT-NHNN thì tối đa là 02 năm (24 tháng).
(Trường hợp này bao gồm cả trường hợp TCTD đang thực hiện phương án cơ cấu lại, phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt).
- Với các TCTD có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trong thời gian TCTD được kiểm soát đặc biệt nêu trên:
Thông tư 08/2021 cũng bổ sung quy định bên đi vay phải sử dụng tài sản bảo đảm theo thứ tự ưu tiên.

3. Nghị định 94/2021/NĐ-CP

Chính phủ ban hành Nghị định 94/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành, có hiệu lực từ ngày 28/10/2021.
Theo đó, quy định mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành như sau:
- Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa: 20 triệu đồng (trước đây là 100 triệu đồng);
- Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế:
+ Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 50 triệu đồng (trước đây là 250 triệu đồng);
+ Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài: 100 triệu đồng (trước đây là 500 triệu đồng);
+ Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài: 100 triệu đồng (trước đây là 500 triệu đồng).
Như vậy, từ ngày 28/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021, giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành.

4. Thông tư 14/2021/TT-BXD 
Thông tư 14/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng, có hiệu lực từ ngày 01/11/2021 và thay thế Thông tư 03/2017/TT-BXD ngày 16/3/2017
Thông tư quy định cách xác định chi phí tư vấn phục vụ bảo trì công trình xây dựng, cụ thể như sau:
- Đối với các công việc tư vấn đã được Bộ Xây dựng quy định tại Thông tư ban hành định mức xây dựng thì chi phí thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
- Đối với các công việc tư vấn như:
Quan trắc công trình phục vụ công tác bảo trì; khảo sát phục vụ thiết kế sửa chữa, thí nghiệm phục vụ công tác tư vấn bảo trì công trình và một số công việc tư vấn khác đã được Bộ Xây dựng hướng dẫn tại Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
- Đối với các công việc tư vấn sau đây thì xác định bằng lập dự toán:
+ Lập, thẩm tra quy trình bảo trì công trình (trường hợp chưa có quy trình bảo trì) hoặc điều chỉnh quy trình bảo trì công trình xây dựng;
+ Kiểm định chất lượng công trình phục vụ công tác bảo trì;
+ Kiểm tra công trình đột xuất theo yêu cầu;
+ Đánh giá định kỳ về an toàn của công trình trong quá trình vận hành, sử dụng và các công việc tư vấn áp dụng định mức đã được quy định nhưng không phù hợp.
- Trường hợp sửa chữa công trình có chi phí thực hiện từ 500 triệu đồng trở lên yêu cầu lập báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc dự án đầu tư sửa chữa công trình thì:
Chi phí tư vấn phục vụ sửa chữa xác định trong tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng công trình.
5. Thông tư 26/2021/TT-BGDĐT
Thông tư 26/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học, có hiệu lực từ ngày 02/11/2021 và thay thế Thông tư 19/2012/TT-BGDĐT ngày 01/6/2012.
Trong đó, quy định trách nhiệm và quyền của người hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học như sau:
- Người hướng dẫn có trách nhiệm tham gia hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, chịu trách nhiệm về nội dung của đề tài được phân công hướng dẫn, tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc về đạo đức nghiên cứu và các quy định hiện hành.
- Người hướng dẫn được tính giờ nghiên cứu khoa học, được hưởng mức thù lao và các quyền lợi khác theo quy định của cơ sở giáo dục đại học sau khi hoàn thành việc hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học.
(Trước đây chỉ quy định được tính giờ nghiên cứu khoa học).
- Người hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học có kết quả xuất sắc, đạt các giải thưởng khoa học và công nghệ trong và ngoài nước hoặc các kết quả nghiên cứu được áp dụng, triển khai mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội được ưu tiên trong việc xét chọn danh hiệu thi đua các cấp và các hình thức khen thưởng khác.
(Bổ sung trường hợp nghiên cứu khoa học đạt các giải thưởng khoa học và công nghệ trong và ngoài nước).

6. Thông tư 71/2021/TT-BTC

Thông tư 71/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa chưa truy thu theo Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 25/5/2014 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 01/11/2021.
Theo đó, cơ sở thực hiện xã hội hóa (gọi tắt là Cơ sở) thành lập trước ngày 22/07/2016, có thu nhập từ hoạt động xã hội hóa, có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế TNDN như sau:
(1) Cơ sở được hưởng ưu đãi thuế TNDN cho thời gian còn lại theo quy định về thuế TNDN kể từ khi đáp ứng đủ điều kiện theo các quyết định của Thủ tướng trong từng thời kỳ bao gồm:
+ Quyết định 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008.
+ Quyết định 693/QĐ-TTg ngày 06/5/2013.
+ Quyết định 1470/QĐ-TTg ngày 22/7/2016.
(2) Cơ sở không đáp ứng các điều kiện theo quy định tại các Quyết định trên thì thực hiện kê khai bổ sung số thuế TNDN còn thiếu (nếu có), tự tính số thuế TNDN phải nộp hoặc cơ quan thuế thực hiện truy thu đến thời điểm đáp ứng điều kiện tại các Quyết định nêu trên.
- Cơ sở trên nếu có thuế TNDN phát sinh tại mục (2) thì không bị phạt vi phạm pháp luật về thuế và không tính tiền chậm nộp tính trên số tiền TNDN tạm thời chưa truy thu cho đến 01/11/2021.
Từ ngày 02/11/2021, Cơ sở chưa nộp số thuế TNDN tạm thời chưa thu thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế chưa nộp và xử phạt vi phạm pháp luật về thuế (nếu có).