BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 02 - THÁNG 07/2024

11:44 | 22/07/2024
BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 02 - THÁNG 07/2024
(TỪ NGÀY 05.07.2024 – 20.07.2024)
VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
 
1. Thông tư 02/2024/TT-BXD - Hướng dẫn xác định chi phí lập, thẩm định quy hoạch tổng mặt bằng
Thông tư 02/2024/TT-BXD hướng dẫn xác định và quản lý chi phí quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành, có hiệu lực từ ngày 15/7/2024.
Theo đó, việc xác định chi phí lập, thẩm định quy hoạch tổng mặt bằng như sau:
- Chi phí lập quy hoạch tổng mặt bằng (đối với các khu vực trong phạm vi phát triển đô thị): xác định bằng 65% chi phí lập quy hoạch chi tiết đô thị. Chi phí lập quy hoạch chi tiết đô thị xác định theo hướng dẫn xác định chi phí lập đồ án quy hoạch chi tiết đô thị hiện hành.
- Chi phí lập quy hoạch tổng mặt bằng (đối với các khu vực trong khu chức năng): xác định bằng 65% chi phí quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng. Chi phí lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng xác định theo hướng dẫn xác định chi phí lập đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng hiện hành.
- Trường hợp cần phải điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng thì chi phí điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng xác định theo hướng dẫn xác định chi phí điều chỉnh cục bộ của đồ án quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng hiện hành.
- Phí thẩm định đồ án quy hoạch tổng mặt bằng xác định theo quy định hiện hành về phí thẩm định các đồ án quy hoạch.
- Chi phí quản lý nghiệp vụ lập quy hoạch tổng mặt bằng và một số khoản chi phí khác xác định theo hướng dẫn có liên quan đến chi phí quản lý nghiệp vụ lập quy hoạch chi tiết đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng hiện hành.
 
2. Quyết định 1003/QĐ-BHXH - Các bước thực hiện thủ tục thanh toán chi phí bảo hiểm y tế với cơ sở khám chữa bệnh
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam ban hành Quyết định 1003/QĐ-BHXH công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực thực hiện chính sách bảo hiểm y tế thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 16/7/2024.
Theo đó, thủ tục thanh toán chi phí bảo hiểm y tế với cơ sở khám chữa bệnh được thực hiện như sau:
**Bước 1. Lập, nộp hồ sơ:
- Trong thời hạn 7 ngày làm việc (kể từ ngày kết thúc việc khám chữa bệnh đối với người bệnh) cơ sở KCB BHYT phải gửi dữ liệu điện tử đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT lên Cổng Tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam (sau đây gọi là Cổng Thông tin giám định BHYT), dữ liệu phát sinh vào những ngày cuối của tháng hoặc của quý hoặc của năm đến Cổng Thông tin giám định BHYT trước ngày mùng 5 của tháng kế tiếp.
- Trong thời gian 15 ngày đầu mỗi tháng, cơ sở KCB BHYT lập bảng Tổng hợp chi phí khám bệnh, chữa bệnh của người tham gia BHYT (Mẫu C79-HD) tháng trước và gửi cho cơ quan BHXH.
- Trong thời hạn 15 ngày đầu mỗi quý, cơ sở KCB BHYT gửi Báo cáo quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT của quý trước cho cơ quan BHXH.
**Bước 2. Cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ và giải quyết theo quy định.
Về cách thức thực hiện:
- Cơ sở KCB BHYT nộp hồ sơ trực tuyến hoặc trực tiếp tại cơ quan BHXH hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích (đồng thời gửi dữ liệu đề nghị thanh toán lên Cổng Thông tin giám định BHYT theo quy định tại Thông tư 48/2017/TT-BYT ).
- Thực hiện ký biên bản quyết toán chi phí KCB BHYT tại trụ sở cơ quan BHXH hoặc tại cơ sở KCB.
Về thành phần hồ sơ: Bảng tổng hợp chi phí KCB của người tham gia BHYT (theo Mẫu số C79-HD ban hành kèm theo Thông tư 102/2018/TT-BTC ). Gồm 01 bộ kèm theo dữ liệu điện tử.
Về thời hạn giải quyết: Chậm nhất 40 ngày kể từ ngày cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
 
3. Nghị định 90/2024/NĐ-CP - 15 chất mới được bổ sung vào Danh mục chất ma túy
Chính phủ ban hành Nghị định 90/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung danh mục chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định 57/2022/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 17/7/2024.
Theo đó, 15 chất mới được bổ sung vào Danh mục chất ma túy và tiền chất như sau:
Các chất được vào Danh mục II "Các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền".
Cụ thể, bổ sung 14 chất ma túy vào danh mục IIC. Các chất và muối có thể tồn tại của chất này gồm:
3-Chloromethcathinone (3-CMC);
2-Methyl-AP-237;
3-Methylmethcathinone (3-MMC);
ADB-4en-PINACA;
ADB-FUBIATA;
ADB-INACA;
Alpha-PiHP;
Butonitazene;
Etazene;
Etonitazepyne;
MDMB-BUTINACA;
MDMB-INACA;
N,N-Dimethylpentylone
Protonitazene.
Bổ sung 1 chất là Bromazolam vào Danh mục III "Các chất ma túy được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y theo quy định của cơ quan có thẩm quyền".
Danh mục các chất ma túy và tiền chất
Theo Điều 1 Nghị định 57/2022/NĐ-CP danh mục chất ma túy và tiền chất bao gồm:
Danh mục I: Các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong nghiên cứu, kiểm nghiệm, giám định, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền.
Danh mục II: Các chất ma túy được sử dụng hạn chế trong nghiên cứu, kiểm nghiệm, giám định, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Danh mục III: Các chất ma túy được sử dụng trong nghiên cứu, kiểm nghiệm, giám định, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Danh mục IV: Các tiền chất (IVA: Các tiền chất thiết yếu, tham gia vào cấu trúc chất ma túy; IVB: Các tiền chất là hóa chất, dung môi, chất xúc tác dùng trong quá trình sản xuất chất ma túy).
Khi phát hiện chất mới chưa có trong các danh mục chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định 57/2022/NĐ-CP liên quan đến mục đích bất hợp pháp hoặc theo quy định tại 03 Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống ma túy thì Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan xem xét, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung và công bố các danh mục đó.
 
4. Thông tư 40/2024/TT-NHNN  - Quy định mới về sử dụng dịch vụ ví điện tử
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 40/2024/TT-NHNN Quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, có hiệu lực từ ngày 17/7/2024.
Cụ thể, quy định về việc nạp tiền vào ví điện tử được thực hiện qua những hình thức như sau:
- Nộp tiền mặt vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (cho dịch vụ ví điện tử) mở tại ngân hàng hợp tác.
- Nhận tiền từ tài khoản đồng Việt Nam của chủ ví điện tử tại ngân hàng liên kết.
- Nhận tiền từ tài khoản đồng Việt Nam mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngoại trừ trường hợp nhận tiền chủ ví điện tử tại ngân hàng liên kết nêu trên.
- Nhận tiền từ ví điện tử khác trong cùng hệ thống (do một tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử mở).
- Nhận tiền từ ví điện tử khác ngoài hệ thống (do tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử khác mở).
Có thể thấy, so với Thông tư 39/2014/TT-NHNN thì Thông tư 40/2024/TT-NHNN đã mở rộng các hình thức nạp tiền, qua việc cho phép khách hàng có thể nạp tiền thông qua các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử khác ngoài hệ thống.
Bên cạnh đó, khách hàng không được sử dụng ví điện tử để thực hiện các giao dịch cho các mục đích như rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Theo đó, người chủ ví chỉ được sử dụng ví điện tử để thực hiện những giao dịch như sau:
- Rút tiền ra khỏi ví điện tử về tài khoản đồng Việt Nam của chủ ví điện tử tại ngân hàng liên kết.
- Chuyển tiền đến tài khoản đồng Việt Nam mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngoại trừ trường hợp nêu trên.
- Chuyển tiền đến ví điện tử khác trong cùng hệ thống (do một tổ chức cung ứng dịch vụ mở).
- Chuyển tiền đến ví điện tử khác ngoài hệ thống (do tổ chức cung ứng dịch vụ khác mở).
- Thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ; nộp phí, lệ phí cho các dịch vụ công hợp pháp theo quy định.
Tương tự như nạp tiền, Thông tư 40/2024/TT-NHNN cũng đã bổ sung thêm quy định cho phép khách hàng có thể chuyển tiền đến các ví điện tử khác ngoài hệ thống.
Về hạn mức giao dịch đối với ví điện tử cá nhân, Thông tư 40/2024/TT-NHNN quy định mỗi khách hàng tài 01 tổ chức cung ứng dịch vụ chỉ được phép thực hiện giao dịch chuyển tiền và thanh toán theo quy định tại các điểm b, c, d và đ Khoản 2 Điều 25 Thông tư 40/2024/TT-NHNN tối đa là 100 triệu đồng/tháng.
Thông tư 40/2024/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 17/7/2024. Ngoại trừ những trường hợp dưới đây:
- Các Điều 11, 12, 13, 14, 34 và Khoản 4 Điều 47 sẽ có hiệu lực từ ngày 15/8/2024.
- Khoản 2 Điều 17, Điều 18, 19, 20, 21, 22, 23 và 28 (trừ quy định tại khoản 3) sẽ có hiệu lực từ ngày 01/10/2024.
- Điểm c Khoản 6 Điều 25, Khoản 3 Điều 28 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
- Điểm c, đ khoản 1, Điểm b, d Khoản 2 Điều 25 và Điểm b, d Khoản 3 Điều 27 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
 
5. Thông tư 41/2024/TT-NHNN  - Quy định giám sát và thực hiện giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 41/2024/TT-NHNN quy định về giám sát và thực hiện giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, có hiệu lực từ ngày 17/7/2024.
Theo đó, quy định về giám sát và thực hiện giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng; giám sát và thực hiện giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán của tổ chức được NHNN Việt Nam cấp Giấy phép hoạt động, cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Đối tượng áp dụng của Thông tư 41/2024/TT-NHNN bao gồm:
- Đơn vị giám sát.
- Đơn vị vận hành Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia (sau đây gọi là Hệ thống TTLNH Quốc gia).
- Các tổ chức vận hành hệ thống thanh toán quan trọng.
- Các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
- Các ngân hàng hợp tác cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (sau đây gọi là ngân hàng hợp tác).
- Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến giám sát hệ thống thanh toán quan trọng, giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Đơn vị giám sát thực hiện giám sát hệ thống thanh toán quan trọng, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thông qua các biện pháp:
- Theo dõi hoạt động của hệ thống thanh toán quan trọng, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
- Kiểm tra tại chỗ đối với hệ thống thanh toán quan trọng, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
- Đánh giá hệ thống thanh toán quan trọng, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
- Cảnh báo, khuyến nghị trong giám sát hệ thống thanh toán quan trọng, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Nội dung giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng bao gồm:
- Tình hình hoạt động của hệ thống thanh toán quan trọng bao gồm thông tin về thời gian hoạt động, tình hình thành viên tham gia, tình hình giao dịch qua hệ thống.
- Hoạt động quản trị rủi ro đối với hoạt động của hệ thống thanh toán quan trọng bao gồm xây dựng chính sách, quy trình quản lý rủi ro và hoạt động triển khai.
- Việc tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến quản lý, vận hành hệ thống thanh toán quan trọng.
- Những thay đổi trong hoạt động của hệ thống thanh toán quan trọng bao gồm thay đổi về quy trình nghiệp vụ, quy chế thành viên của hệ thống.
 
6. Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT - Nội dung công khai về thu, chi tài chính với cơ sở giáo dục 
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT ngày 03/6/2024 quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, có hiệu lực từ ngày 19/7/2024 thay thế Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT.
Cụ thể, nội dung công khai về thu, chi tài chính với cơ sở giáo dục như sau:
- Tình hình tài chính của cơ sở giáo dục trong năm tài chính trước liền kề thời điểm báo cáo theo quy định pháp luật, trong đó có cơ cấu các khoản thu, chi hoạt động như sau:
+ Các khoản thu phân theo: Nguồn kinh phí (ngân sách nhà nước, hỗ trợ của nhà đầu tư; học phí, lệ phí và các khoản thu khác từ người học; kinh phí tài trợ và hợp đồng với bên ngoài; nguồn thu khác) và loại hoạt động (giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; hoạt động khác);
+ Các khoản chi phân theo: Chi tiền lương và thu nhập (lương, phụ cấp, lương tăng thêm và các khoản chi khác có tính chất như lương cho giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên,...); chi cơ sở vật chất và dịch vụ (chi mua sắm, duy tu sửa chữa, bảo dưỡng và vận hành cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuê mướn các dịch vụ phục vụ trực tiếp cho hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, phát triển đội ngũ,...); chi hỗ trợ người học (học bổng, trợ cấp, hỗ trợ sinh hoạt, hoạt động phong trào, thi đua, khen thưởng,...); chi khác.
- Các khoản thu và mức thu đối với người học, bao gồm: học phí, lệ phí, tất cả các khoản thu và mức thu ngoài học phí, lệ phí (nếu có) trong năm học và dự kiến cho từng năm học tiếp theo của cấp học hoặc khóa học của cơ sở giáo dục trước khi tuyển sinh, dự tuyển.
- Chính sách và kết quả thực hiện chính sách hằng năm về trợ cấp và miễn, giảm học phí, học bổng đối với người học.
- Số dư các quỹ theo quy định, kể cả quỹ đặc thù (nếu có).
- Các nội dung công khai tài chính khác thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, ngân sách, kế toán, kiểm toán, dân chủ cơ sở.