Bản tin pháp luật số 2 - tháng 10/2016

14:21 | 28/10/2016

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 2 – THÁNG 10/2016

1. Những điểm cần lưu ý khi rà soát sổ BHXH

BHXH Việt Nam vừa ban hành Công văn 4027/BHXH-ST hướng dẫn rà soát và bàn giao sổ Bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động.

Theo đó, cơ quan bảo hiểm khi thực hiện rà soát sổ BHXH cần lưu ý một số điểm như sau:

- Khi điều chỉnh nhân thân trên sổ BHXH thì hồ sơ phải bao gồm: giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh; chứng minh thư/thẻ căn cước/hộ chiếu; lý lịch đảng viên (nếu là đảng viên).

- Nếu 01 người có từ 02 sổ BHXH trở lên mà thời gian đóng không trùng nhau hoặc 01 số sổ được cấp cho nhiều người thì tiến hành thu hồi sổ BHXH, hoàn chỉnh lại dữ liệu và tiến hành cấp lại sổ mới theo quy định.

- Nếu 01 người có từ 02 sổ BHXH trở lên có thời gian đóng BHXH, BHTN trùng nhau thì ghi quá trình đóng theo thời gian tham gia bảo hiểm trước và hoàn trả lại số tiền BHXH, BHTN đã đóng trùng, không bao gồm lãi.

Xem nội dung chi tiết tại Công văn 4027/BHXH-ST ban hành ngày 14/10/2016.

2. Hồ sơ khai lệ phí trước bạ đối với tài sản là nhà, đất

Ngày 10/10/2016, Chính phủ ban hành Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ.

Theo đó, hồ sơ khai lệ phí trước bạ đối với tài sản là nhà, đất bao gồm:

- Tờ khai lệ phí trước bạ (Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định này).

- Các giấy tờ chứng minh tài sản (hoặc chủ tài sản) thuộc diện miễn lệ phí trước bạ (nếu có).

Riêng trường hợp khai lệ phí trước bạ điện tử, hồ sơ như sau:

- Tờ khai lệ phí trước bạ theo Mẫu số 01 nêu trên; và

- Các giấy tờ hợp pháp kèm theo Tờ khai lệ phí trước bạ thực hiện theo quy định của các cơ quan cấp đăng ký khi làm thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.

Trường hợp quy trình phối hợp liên thông của các cơ quan nhà nước thực hiện thủ tục hành chính trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng tài sản có quy định khác thì thực hiện theo quy định đó.

Nghị định 140/2016/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2017.

3. Đảm bảo tư vấn 80% khiếu nại của người tiêu dùng vào năm 2020

Đây mục tiêu được đề cập tại Quyết định 1997/QĐ-TTg của Thủ tướng về Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, bảo đảm 80% khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng được tiếp nhận, hỗ trợ, tư vấn tại cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng.

Ngoài ra, Chương trình cũng đặt ra một số mục tiêu khác như sau:

- Tối thiểu 60 tỉnh, thành phố thành lập được Hội Bảo vệ người tiêu dùng cấp tỉnh;

- Hình thành hệ thống tổ chức hòa giải về bảo vệ lợi ích người tiêu dùng từ trung ương tới địa phương, đảm bảo có tối thiểu 40 tỉnh thành lập được tổ chức hòa giải;

- Xây dựng hệ thống tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng thống nhất trên cả nước với sự tham gia các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;

- Bảo đảm tối thiểu 5.000 lượt cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Xem chi tiết tại Quyết định 1997/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 18/10/2016.