BẢN TIN PHÁP LUẬT - THÁNG 02/2022

18:08 | 20/02/2022

BẢN TIN PHÁP LUẬT - THÁNG 02/2022

(TỪ NGÀY 21.01.2022 – 20.02.2022)

VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH

1. Nghị định 15/2022/NĐ-CP (Giảm thuế GTGT xuống 8% với một số hàng hóa, dịch vụ)

Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, có hiệu lực từ ngày 01/02/2022.

Theo đó, giảm thuế GTGT xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:

- Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất. Chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 15/2022.

- Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 15/2022.

- Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin. Chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 15/2022.

Việc giảm thuế GTGT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 15/2022/NĐ-CP được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.

Đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm cả trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra) thuộc đối tượng giảm thuế GTGT.

Mặt hàng than thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP, tại các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra không được giảm thuế giá trị gia tăng.

Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại các Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5% theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng và không được giảm thuế giá trị gia tăng.

Chính sách giảm thuế GTGT nêu trên được áp dụng kể từ ngày 01/02/2022 đến ngày 31/12/2022.

2. Thông tư 19/2021/TT-BLĐTBXH (Danh mục vùng đặc biệt khó khăn để xác định trường hợp nghỉ hưu sớm)

Thông tư 19/2021/TT-BLĐTBXH ban hành danh mục vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để làm căn cứ xác định các trường hợp có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường, có hiệu lực ngày 30/01/2022, được áp dụng từ ngày 01/01/2021.

Theo đó, người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu bình thường nếu làm việc ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đơn cử như:

- Tỉnh Bắc Kạn: 20 xã;

- Tỉnh Bình Phước: 04 xã;

- Tỉnh Bình Thuận: 01 xã;

- TP Đà Nẵng: Toàn huyện Hoàng Sa;

- Tỉnh Cao Bằng: 58 xã và 01 thị trấn;

- Tỉnh Đăk Lăk: 14 xã;

- Tỉnh Đăk Nông: 46 xã và 01 thị trấn;

- Tỉnh Gia Lai: 11 xã;

- Đơn vị sản xuất và hành chính khác: Nhà giàn DK1;...

3. Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH (Tăng giờ làm thêm của người lao động thời vụ lên 40 giờ/tháng)

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng, có hiệu lực từ ngày 01/02/2022 và thay thế Thông tư 54/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/12/2015.

Theo đó, số giờ làm thêm của người lao động thời vụ tăng lên 40 giờ/tháng.

(Trước đây, tổng số giờ làm thêm là 32 giờ/tháng)

Ngoài ra, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần cũng tăng lên 72 giờ/tuần

(Trước đây, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần là 60 giờ/tuần)

4. Thông tư liên tịch 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BCA-BQP-BTP (Yêu cầu khi tham gia phiên tòa trực tuyến)

Thông tư liên tịch 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BCA-BQP-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến, có hiệu lực từ ngày 01/02/2022.

Yêu cầu khi tham gia phiên tòa trực tuyến được quy định như sau:

- Tuân thủ quy định nội quy phòng xử án.

- Luôn để thiết bị điện tử ở trạng thái mở camera và bật âm thanh micro; khi được yêu cầu thì mới phát biểu.

- Không được tạo các tạp âm khác trong khi thiết bị điện tử đang để chế độ mở tiếng, gây ảnh hưởng đến phiên tòa.

- Người tham gia phiên tòa phải mặc trang phục nghiêm chỉnh; không đứng dậy hay rời đi trong thời gian xét xử khi chưa được chủ tọa phiên tòa cho phép; không chụp ảnh, ghi âm, ghi hình, ghi hình có âm thanh, phát tán tài liệu hoặc phát tán thông tin tài khoản đăng nhập vào hệ thống xét xử trực tuyến, phát trực tiếp phiên tòa trên không gian mạng.

- Đương sự, bị hại, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, bị hại tham gia phiên tòa trực tuyến phải xuất trình một trong các giấy tờ tùy thân (như chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu, thẻ luật sư, thẻ trợ giúp viên pháp lý) để đối chiếu.

Trường hợp đương sự ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng thì người được ủy quyền còn phải xuất trình văn bản ủy quyền.

Theo Nghị quyết 33/2021/QH15, từ ngày 01/01/2022, Tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến trong một số trường hợp được quy định tại Nghị quyết.

5. Thông tư 13/2021/TT-BTP (Bổ sung nguồn tiếp nhận đơn khiếu nại trong thi hành án dân sự) 

Thông tư 13/2021/TT-BTP quy định quy trình xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự, có hiệu lực từ ngày 13/02/2022 và thay thế Thông tư 02/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016.

Theo Thông tư, quy trình xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự, đơn khiếu nại trong thi hành án dân sự được tiếp nhận từ các nguồn sau:
- Đơn do cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp gửi qua bộ phận tiếp nhận đơn, hộp thư góp ý, đơn gửi tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan, đơn vị hoặc trình bày trực tiếp với người có thẩm quyền được lập thành văn bản;

Thông tin được phản ánh qua đường dây nóng được lập thành văn bản.
Thông tin kiến nghị, phản ánh từ Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Cổng Thông tin điện tử Thi hành án dân sự và Phần mềm hỗ trợ trực tuyến thi hành án dân sự được lập thành văn bản hoặc có văn bản đính kèm (Nội dung mới bổ sung).

- Đơn do Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Đảng, Nhà nước, đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan báo chí và các cơ quan khác chuyển đến.

- Đơn gửi qua dịch vụ bưu chính.

6. Thông tư 27/2021/TT-BYT (Lộ trình thực hiện kê đơn thuốc điện tử)

Thông tư 27/2021/TT-BYT quy định kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử, có hiệu lực từ ngày 15/02/2022.

Theo đó, yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử quy định tại Thông tư 27/2021/TT-BYT theo lộ trình cụ thể như sau:

- Đối với các bệnh viện từ hạng 3 trở lên: hoàn thành trước ngày 30/6/2022.

- Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác: hoàn thành trước ngày 01/12/2022.

Đơn thuốc điện tử được lập, hiển thị, ký số, chia sẻ và lưu trữ bằng phương thức điện tử đáp ứng các quy định của Thông tư 27/2021/TT-BYT có giá trị pháp lý như đơn thuốc giấy.

Đồng thời quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm:

- Bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng tiêu chí kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

- Gửi đơn thuốc điện tử lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế ngay sau khi kết thúc quy trình khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh ngoại trú và trước khi người bệnh ra viện đối với người bệnh nội trú;

- Gửi đơn thuốc điện tử hoặc mã đơn thuốc điện tử cho người bệnh hoặc người đại diện người bệnh thông qua các phương tiện điện tử theo hướng dẫn của Bộ Y tế;

- Tổng hợp toàn bộ thuốc mà người bệnh sử dụng trong quá trình điều trị nội trú và gửi lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia trước khi người bệnh ra viện;

- Thực hiện lưu trữ đơn thuốc điện tử như thời gian lưu trữ đơn thuốc giấy theo quy định của Bộ Y tế.

7. Thông tư 36/2021/TT-BLĐTBXH(Quy định về điều chỉnh tiền lương tháng đã đóng BHXH từ năm 2022)

Thông tư 36/2021/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội, có hiệu lực từ ngày 20/02/2022; áp dụng từ ngày 01/01/2022 và thay thế Thông tư 23/2020/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2020.

Theo đó, tiền lương tháng đã đóng BHXH đối với NLĐ đóng BHXH bắt buộc được điều chỉnh theo công thức sau:

Tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của từng năm x Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng.

Trong đó, mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng từ trước năm 1995 đến năm 2022, đơn cử như sau:

- Trước năm 1995: 5,10 (tăng 0,09 so với mức điều chỉnh của năm 2021);

- Năm 1995: 4,33 (tăng 0,08 so với mức điều chỉnh của năm 2021);

- Năm 1996: 4,09 (tăng 0,07 so với mức điều chỉnh của năm 2021);

- Năm 1997: 3,96 (tăng 0,07 so với mức điều chỉnh của năm 2021);

- Năm 1998: 3,68 (tăng 0,07 so với mức điều chỉnh của năm 2021);

- Năm 1999: 3,53 (tăng 0,07 so với mức điều chỉnh của năm 2021);

- Năm 2000: 3,58 (tăng 0,06 so với mức điều chỉnh của năm 2021);

- Năm 2022: 1,00;...

Đối với NLĐ vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện tiền lương do Nhà nước quy định vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì:

Tiền lương tháng đóng BHXH đối với NLĐ bắt đầu tham gia BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định từ ngày 01/01/2016 trở đi và tiền lương tháng đã đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh theo quy định trên.

8. Thông tư 10/2021/TT-BTP (Bổ sung trường hợp chấm dứt tập sự hành nghề luật sư)
Thông tư 10/2021/TT-BTP hướng dẫn tập sự hành nghề luật sư, có hiệu lực từ ngày 25/01/2022 và thay thế Thông tư 19/2013/TT-BTP ngày 28/11/2013.

Thông tư bổ sung các trường hợp chấm dứt tập sự hành nghề luật sư như sau:

- Bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật dân sự;

- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Tạm ngừng tập sự quá số lần quy định hoặc đã hết thời hạn tạm ngừng tập sự theo quy định mà không tiếp tục tập sự;

- Người đang tập sự hành nghề luật sư mà bị phát hiện không đáp ứng điều kiện quy định;

- Người bị rút tên khỏi danh sách người tập sự của Đoàn Luật sư theo quy định.

Ngoài ra, giữ nguyên các trường hợp chấm dứt tập sự hành nghề luật sư sau:

- Tự chấm dứt việc tập sự hành nghề luật sư;

- Được tuyển dụng làm cán bộ, công chức, viên chức; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân; sỹ quan, hạ sỹ quan, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân;

- Không còn thường trú tại Việt Nam;

- Bị kết án mà bản án đã có hiệu lực pháp luật;

- Bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc;

- Bị xử lý kỷ luật bằng hình thức tạm đình chỉ việc tập sự hành nghề luật sư từ 03 tháng đến 06 tháng hoặc bị xoá tên khỏi danh sách người tập sự của Đoàn Luật sư.