Đưa quan hệ kinh tế Việt Nam - Myanmar lên tầm cao mới

17:43 | 16/06/2011

Hội nghị hợp tác kinh doanh Việt Nam - Myanmar ngày 10/6/2011 diễn ra tại Thủ đô Nay Pyi Taw. Đoàn Chính phủ Việt Nam do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu cùng lãnh đạo gần 50 DN Việt Nam dự Hội nghị đã mở ra một trang mới trong quan hệ kinh tế Việt Nam và Myanmar. Nhiều DN ngành Xây dựng đã tìm được những đối tác tin cậy, hứa hẹn sự hợp tác trong việc sản xuất xi măng; tiêu thụ thép xây dựng, gạch, ngói, gốm sứ trong tương lai gần… Báo Xây dựng xin trích đăng phát biểu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân và Tổng giám đốc VIGLACERA Nguyễn Anh Tuấn thân mật chào đón những khách hàng đầu tiên sử dụng gốm sứ Việt Nam tại Showroom của VIGLACERA.

“Chúng ta vui mừng nhận thấy rằng, thời gian qua quan hệ hai nước Việt Nam và Myanmar đã phát triển rất tốt đẹp cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch. Chúng ta đã thành lập ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế và ký kết nhiều thỏa thuận và văn bản pháp lý trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, tạo hành lang pháp lý để phát triển quan hệ giữa hai nước. Đặc biệt là các nội dung hợp tác nêu trong Tuyên bố chung về hợp tác Việt Nam - Myanmar nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Myanmar của ngài Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 4/2010 và các thỏa thuận hợp tác cụ thể đã được ký kết trên các lĩnh vực đầu tư, nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản, trồng cây cao su… và nhiều lĩnh vực khác đã cụ thể hóa một bước quan trọng quyết tâm đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới mang tính chiến lược dài hạn, vì lợi ích nhân dân hai nước.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn khách quan nhưng quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước tiếp tục có những bước phát triển tích cực trong những năm gần đây. Năm 2008, kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 108 triệu USD, tăng 11% so với năm 2007. Năm 2009, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, kim ngạch thương mại có giảm đi chút ít song vẫn đạt 93 triệu USD. Với những nỗ lực của cả hai bên, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2010 đã vượt ngưỡng 150 triệu USD, đạt 160 triệu USD, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2009.

Việc ký kết các văn kiện, thỏa thuận hợp tác kinh tế gữa các cơ quan Chính phủ hai nước và các thỏa thuận, hợp đồng gữa các DN Việt Nam và Myanmar, đặc biệt là việc mở đường bay trực tiếp gữa hai nước của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam và việc một số tập đoàn, DN lớn của Việt Nam mở văn phòng đại diện là dấu hiệu rất tích cực, tạo tiền đề quan trọng cho việc thúc đẩy quan hệ du lịch, thương mại và đầu tư hai nước trong thời gian tới. Myanmar là địa bàn giàu tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực nông - lâm nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, du lịch, khai khoáng, xây dựng hạ tầng, cũng như các ngành dịch vụ then chốt như tài chính, ngân hàng, vận tải và hàng không, viễn thông… Đó cũng là các lĩnh vực mà các DN Việt Nam quan tâm và có thế mạnh về vốn, kinh nghiệm quản lý, đã có các thị trường tiêu thụ sản phẩm toàn cầu, và chiến lược phát triển hướng ra quốc tế.

Trong những năm qua, các DN Việt Nam ngày càng trưởng thành và tăng nhanh đầu tư trực tiếp ra các nước trong và ngoài khu vực. Tính đến nay, các DN Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 590 dự án với tổng số vốn 10,5 tỷ USD. Riêng ở Myanmar, các DN Việt Nam đã đầu tư trên 25 triệu USD, trong đó một số DN lớn của Việt Nam đã bước đầu triển khai một số dự án tại đất nước đầy tiềm năng của các bạn.

Kết quả trên là tiền để để chúng ta thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của cả hai phía. Tôi đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương và các DN hai nước đã có phối hợp chặt chẽ hơn trong việc tăng cường hợp tác, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy đầu tư, kinh doanh.

Tuy nhiên, trong thực tế cũng như qua các báo cáo của các nhà đầu tư Hội nghị này, chúng ta nhận thấy rằng, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với mối quan hệ chính trị tốt đẹp, với tiềm năng cũng như mong muốn của Chính phủ và nhân dân hai nước và cũng còn nhiều vấn đề đặt ra cần được giải quyết.

Tôi đã có các cuộc hội đàm với ngài Phó Tổng thống Myanmar. Chúng tôi đều đánh giá cao cơ hội và tiềm năng hợp tác giữa hai nước và thống nhất phải tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác trong thời gian tới. Để làm được điều đó. Tôi đề nghị:

Chính phủ hai nước cần tiếp tục thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ DN hai nước phát triển đầu tư kinh doanh; tiếp tục duy trì thường xuyên cơ chế đối thoại giữa các cơ quan của Chính phủ hai nước nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh có hiệu quả; đẩy nhanh việc cập nhật và hoàn thiện các hiệp định liên quan đến thương mại, đầu tư, nhanh chóng hình thành cơ chế, chính sách hài hòa, tạo khuôn khổ pháp lý và áp dụng các thủ tục các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ thiết thực về tài chính cho các dự án đầu tư của các DN hai nước; trước hết là hướng vào các lĩnh vực mà hai nước chúng ta đều có nhu cầu hợp tác, Myanmar có tiềm năng và Việt Nam có thế mạnh như viễn thông, hàng không, khai thác và chế biến khoáng sản, du lịch và thương mại, tài chính, ngân hàng, nông sản, lâm nghiệp…

Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương và chính quyền các địa phương của Myanmar ưu tiên và tạo thuận lợi cho các DN Việt Nam đầu tư, kinh doanh có hiệu quả tại Myanmar, trong đó đặc biệt là việc đẩy nhanh việc thực hiện hóa 12 lĩnh vực hợp tác đã được nêu trong tuyên bố chung Việt Nam - Myanmar nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Myanmar của ngài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 4/2010. Đồng thời đề nghị các cơ quan có liên quan của Myanmar quan tâm tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã được cấp phép, trong đó, có nhiều vấn đề đã được nêu trong các báo cáo và trao đổi tại Hội nghị hôm nay.

Về phía Việt Nam, tôi khẳng định chính sách nhất quán của Chính phủ Việt Nam là củng cố, tăng cường và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, hợp tác toàn diện với Myanmar; cùng với Myanmar đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, vì lợi ích của cả hai bên.

Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi để các DN Myanmar đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam cũng như đặc biệt quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thúc đẩy đầu tư của các DN Việt Nam vào Myanmar.

Tôi đề nghị các nhà đầu tư, DN Việt Nam tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, giữ gìn hình ảnh và uy tín của Việt Nám khi đầu tư kinh doanh ở nước ngoài; có trách nhiệm và chấp hành nghiêm túc pháp luật của nước sở tại; có trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng nhân dân nơi triển khai dự án, tạo thêm việc làm, đóng góp thiết thực vào xóa đói giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Tôi cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Phát triển kinh tế quốc gia Myanmar và Bộ KH&ĐT Việt Nam sớm thiết lập đầu mối trao đổi thông tin, tăng cường các công tác quản lý nhà nước, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN hai nước.

Chính phủ Việt Nam đánh giá cao chính sách của Myanmar coi trọng việc phát triển quan hệ hữu nghị tốt đẹp và hợp tác toàn diện với Việt Nam, đã tạo điều kiện thuận lợi để các DN Việt Nam đầu tư tại Myanmar.

Tại Hội nghị quan trọng này, các DN của hai nước đã được tiếp cận các thông tin mới nhất về cơ chế chính sách, về các dự án tiềm năng mà Myanmar đang kêu gọi và khuyến khích các DN Việt Nam đầu tư. Lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền của hai nước đã dành thời gian giải đáp nhiều vấn đề vướng mắc đối với việc kinh doanh, đầu tư tại Myanmar. Tôi hy vọng sau Hội nghị này, hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc thu hút, tạo điều kiện triển khai các dự án đầu tư, phát triển thương mại, du lịch và các lĩnh vực hợp tác khác của hai nước.

Với tinh thần đó, tôi tin tưởng Hội nghị lần này là một bước đi cụ thể quan trọng nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ đầu tư, thương mại giữa hai nước, khởi đầu cho một thời kỳ gắn kết chặt chẽ hơn giữa hai nền kinh tế, tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện và bền chặt giữa Việt Nam và Myanmar”.

Đại diện Tập đoàn EDEN:

VLXD của Việt Nam rất phù hợp với các công trình tại Myanmar

VLXD của Myanmar chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan. Vừa qua chúng tôi có cơ hội được đến Việt Nam tìm hiểu. Chúng tôi nhận thấy, VLXD của Việt Nam rất phù hợp để xây dựng các công trình tại Myanmar. Tuy nhiên để thành công, các DN của chúng ta phải thường xuyên liên lạc trao đổi. DN Myanmar hầu hết đều phát triển tự lực, chưa quen hợp tác làm ăn với các DN nước ngoài. Phía DN Việt Nam đã kinh qua phải trên tinh thần hỗ trợ giúp đỡ DN Myanmar. Thực hiện tuyên bố chung giữa chính phủ hai nước, chúng tôi vẫn luôn quan tâm những động thái từ phía DN Việt Nam. Từ hôm nay DN hai nước tự do liên lạc không còn rào cản nào.

Tôi đã đến thăm TCty VIGLACERA tại Việt Nam và đã mua một số sản phẩm từ TCty này. VLXD do VIGLACERA sản xuất chất lượng cao, màu sắc phong phú, kiểu dáng rất gần gũi với những nét văn hóa của Myanmar. Tôi nghĩ, những sản phẩm của VIGLACERA sẽ tiêu thụ rất thành công trên thị trường Myanmar…”.

Thượng nghị sĩ, Dr-Khin Shwe -Tập đoàn ZAYKABAR GROUP Ò COMPANIS:

Rất mong liên doanh với DN Việt Nam xây dựng nhà máy xi măng tại Myanmar

Việt Nam và Myanmar có nhiều sự tương đồng trong việc khôi phục và phát triển nền kinh tế. Tôi rất khâm phục những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc điều hành nền kinh tế đất nước vượt qua nhiều khó khăn thời gian qua.

Myanmar đang rất cần những kinh nghiệm trên các lĩnh vực xây dựng, sản xuất VLXD, kinh doanh du lịch, khách sạn… mà Việt Nam đã và đang trải qua. Đất nước chúng tôi hiện mới chỉ sản xuất được 2 triệu tấn xi măng/năm trong khi nhu cầu tiêu thụ thực tế khoảng 5 triệu tấn/năm. 3 triệu tấn cân đối cho nhu cầu xây dựng chúng tôi phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan với giá thành khoảng 80 USD/tấn. Tôi rất mong sẽ được liên doanh, liên kết với một Cty nào đó thuộc ngành Xây dựng Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy, sản xuất xi măng tại đất nước chúng tôi. Công nghệ, kinh nghiệm giải ngân vốn đầu tư của các DN Việt Nam chắc chắn sẽ rất hữu ích cho việc hợp tác đôi bên cũng có lợi…

Giám đốc Htay Htay Win - Tập đoàn MYANMAR FISHES INTERNATIONAL JVL:

DN Việt Nam nên đầu tư xây dựng hạ tầng ở Myanmar

20 năm cấm vận đã làm cho Myanmar bị cô lập với nền kinh tế thế giới. Song, có một quốc gia láng giềng đã chớp cơ hội này âm thầm vào phía Bắc Myanmar với nhiều dự án năng lượng; xây thủy điện… lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu Nam - Bắc… Tuy nhiên DN Việt Nam vẫn còn một thị trường đầu tư lớn ở phía Nam Myanmar, nơi đa số những người dân ngưỡng mộ Việt Nam. Có hai lĩnh vực theo tôi các DN Việt Nam, đặc biệt là các DN xây dựng cần quan tâm, đó là đầu tư hệ thống giao thông liên quốc gia từ Việt Nam sang Myanmar; tận dụng điều kiện tự nhiên xây dựng một bến cảng container bốc xếp hàng hóa từ đường biển cung cấp cho cả vùng rộng lớn phía Nam Myanmar…

Đại diện Tập đoàn SHINE -VIGLACERA SHOWROOM:

Hợp tác với VIGLACERA để phát triển bền vững

Ngay từ năm 2010, chúng tôi đã tiến hành khảo sát quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm do VIGLACERA sản xuất. Chúng tôi nhận thấy rằng, tất cả những sản phẩm của VIGLACERA sản xuất đều có chất lượng tốt, được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính. Chúng tôi cho rằng, các sản phẩm này rất phù hợp với thị trường, thị hiếu và nhu cầu tiêu dùng của người dân Myanmar. Đó là lý do chúng tôi quyết định hợp tác với VIGLACERA để phát triển bền vững. Trong tương lai, chúng tôi dự định sẽ mở rộng quy mô kinh doanh sản xuất tăng cường hợp tác giữa hai bên bằng nhiều công trình, kế hoạch thiết thực. Mục tiêu là xây dựng nhà máy sản xuất các thiết bị, sản phẩm của VIGLACERA trên đất nước chúng tôi…

Đại diện Tập đoàn ASIA EXPRESS:

Nên bắt đầu từ kinh doanh thương mại

Tôi đã dùng gốm sứ Trung Quốc, Thái Lan. Sau khi nhập khẩu sản phẩm của Việt Nam thông qua một nước khác, tôi nhận thấy rất có cảm tình với chất lượng cao, mỹ thuật vượt trội của gốm sứ Việt Nam. Chúng ta nên bắt đầu từ kinh doanh thương mại. Chúng tôi muốn trở thành nhà phân phối độc quyền cho một sản phẩm VLXD nào đó tại Myanmar. Khi sản phẩm có vị trí nhất định trên thị trường, chúng ta sẽ tiến hành cùng nhau xây dựng nhà máy tại Myanmar…

                                                                    Hải Đăng (Báo Xây dựng)
Các tin khác
  • Đoàn công tác Bộ Xây dựng kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại MYANMAR

    Lượt xem : 5607
    Tại Thành phố Yangon đoàn đã tới thăm trụ sở Văn phòng đại diện BIDV; làm việc với cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam; cắt băng khánh thành Khu trưng bày sản phẩm của Tổng công ty VIGLACERA. Dự án thành công đầu tiên trong việc thực hiện tuyên bố chung giữa Chính phủ hai nước ký kết một năm về trước.
    Chi tiết
  • Đại hội Công đoàn TCT VIGLACERA lần thứ VIII (2011- 2016): TỰ HÀO VIGLACERA

    Lượt xem : 6093
    Sau tấm Huân chương rạng ngời, là biết bao công sức phấn đấu đồng cam vượt khó của cả tập thể VIGLACERA. Để được suy tôn những danh hiệu thi đua cao quý của Nhà nước, Công đoàn TCT đã không chỉ bám sát 3 chức năng nhiệm vụ của Công đoàn, mà còn luôn sát cánh với chuyên môn để góp phần mang lại những hiệu quả thực sự trong lao động.
    Chi tiết
  • VIGLACERA sẽ mở rộng đầu tư tại Vĩnh Phúc

    Lượt xem : 5668
    Thời gian tới, VIGLACERA sẽ nghiên cứu tăng cường đầu tư vào lĩnh vực phát triển đô thị, du lịch sinh thái - một tiềm năng đang thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại tỉnh Vĩnh Phúc.
    Chi tiết
  • Viglacera tăng trưởng bền vững

    Lượt xem : 6049
    Tổng công ty Viglacera vừa tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch SXKD năm 2010, lợi nhuận trước thuế đạt trên 1.200 tỷ đồng, tăng 35% so với kế hoạch; Giá trị SXKD đạt trên 27.700 tỷ đồng, tăng 21% so với kế hoạch, tăng trưởng bình quân 29%/năm; Doanh thu đạt trên 28.700 tỷ đồng, tăng 33% so với kế hoạch, tăng trưởng bình quân 29%/năm
    Chi tiết
  • Chuyển động mới ở Tổng công ty Viglacera

    Lượt xem : 7673
    Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu trong những năm qua, Tổng công ty VIGLACERA vẫn đứng vững bằng năng lực của mình, đạt tốc độ tăng trưởng cao, tạo nên hiệu ứng về đầu tư, công nghệ trên toàn quốc, hình thành nên ngành sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) đáp ứng hầu hết nhu cầu xây dựng của Việt Nam, góp phần đáng kể vào việc bình ổn thị trường VLXD trong nước, thay thế hàng nhập khẩu.
    Chi tiết
  • Cần sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về kính xây dựng

    Lượt xem : 6148
    Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: Thiếu những tiêu chuẩn, quy chuẩn pháp lý có tính hướng dẫn bắt buộc trong thiết kế, đầu tư và sử dụng kính xây dựng khiến các chủ đầu tư, nhà thầu, thiết kế thi công lúng túng trong sử dụng kính đúng quy cách, chất lượng tại các công trình xây dựng.
    Chi tiết