Nhà ở cho người thu nhập thấp: Lời giải cho thị trường BĐS

15:08 | 06/03/2009
 

     

Sàn giao dịch bất động sản Viglacera   

 Đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư khi thị trường bất động sản (BĐS) "đóng băng" kéo dài. Trao đổi với DĐDN, ông Đào Đình Thi - GĐ Sàn giao dịch BĐS Viglacera khẳng định chỉ khi nào có sản phẩm BĐS cho người thu nhập thấp, khi đó thị trường mới có thể khởi sắc.    
* Thông qua hoạt động của các sàn giao dịch BĐS, ông đánh giá thế nào về thị trường BĐS hiện nay?
Theo quy định tại Nghị định số 153 và Thông tư 13 của Bộ Xây dựng thì bắt đầu từ năm 2009 tất cả các giao dịch BĐS của tổ chức phải thông qua sàn giao dịch BĐS.

Do đúng vào thời điểm thị trường BĐS trầm lắng và quy định vừa được triển khai nên nói chung hoạt động của các sàn giao dịch BĐS từ đầu năm đến giờ nói riêng và thị trường BĐS nói chung khá trầm lắng. Tuy nhiên về lâu dài để tạo điều kiện cho các sàn giao dịch BĐS hoạt động tốt và thúc đẩy hoạt động giao dịch BĐS phát triển thì các cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện quy chế chính sách. Chẳng hạn, hiện nay các giao dịch BĐS đều phải thông qua công chứng trước khi làm sổ đỏ hoặc sang tên. Theo tôi nghĩ, khi giao dịch qua sàn thì giao dịch đó không cần phải qua công chứng mà có thể lấy đó làm cơ sở để làm hồ sơ xin cấp sổ đỏ hoặc sang tên. Như vậy sẽ làm giảm thủ tục hành chính và sẽ thu hút được nhiều giao dịch thông qua sàn.
* Kết quả rà soát mới đây về 501 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng của UBND TP Hà Nội sau mở rộng cho thấy Thủ đô đang thừa các dự án BĐS so với các lĩnh vực khác. Dự án BĐS ở TP chiếm 51% số lượng các đồ án, dự án và 51,7% tổng diện tích mặt bằng. Điều này có ảnh hưởng như thế nào đến thị trường BĐS của Hà Nội trong những năm tới?

Không chỉ Hà Nội, mà đối với các thành phố lớn, nguồn cung tăng lên sẽ tốt cho thị trường bởi hiện tại nhu cầu về nhà ở tại các thành phố lớn rất cao. Theo quy luật cung- cầu, khách hàng cũng sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn và sẽ góp phần hạ nhiệt giá BĐS ở khu vực nội thành. Vấn đề chính là nằm ở việc cơ cấu sản phẩm BĐS tung ra như thế nào cho hợp lý. Từ trước đến nay, phần lớn các dự án BĐS trên địa bàn Hà Nội đều tập trung vào sản phẩm giá trị lớn, điều này là bất hợp lý bởi đang có một lượng rất lớn khách hàng tiềm năng là người có thu nhập thấp.

Một vấn đề nữa được đặt ra đối với các dự án ở khu vực phía Tây Hà Nội là giải quyết được bài toán hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội như điện, trường học, bệnh viện, siêu thị, vui chơi giải trí... Rõ ràng thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp đang rất tiềm năng và hấp dẫn các nhà đầu tư hơn là dự án nhà ở có giá trị cao.

* Cách đây 2 năm đã có chủ trương dành 20% đất đối với dự án đô thị quy mô trên 10 ha để phát triển nhà ở xã hội và trong gói giải pháp kích cầu cũng có đề cập việc xây nhà ở xã hội nhưng đến nay vẫn chưa làm được. Theo ông, để thúc đẩy các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp đâu là vấn đề mấu chốt?

Nhà ở là nhu cầu rất chính đáng của người dân, và nhu cầu tại các thành phố lớn cũng rất cao. Việc triển khai mô hình nhà ở xã hội chậm là do vướng ở thủ tục. Theo tôi các cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư để sớm có sản phẩm BĐS cho người thu nhập thấp. Để giải quyết vấn đề này thì trước hết phải từ cơ chế chính sách của Nhà nước, đặc biệt là chính sách liên quan đến đất đai, tài chính. Chẳng hạn như miễn tiền sử dụng đất, cơ chế hỗ trợ tài chính, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Đối với các dự án trước đây không có quy hoạch nhà cho người có thu nhập thấp thì phải tạo điều kiện để chủ đầu tư trong việc phê duyệt lại quy hoạch...

* Theo ông phải mất thời gian bao lâu thì mô hình nhà ở cho người thu nhập thấp mới có thể đi vào thực tiễn?

Song song với các chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư thì việc thiết lập cơ chế để xác định đúng đối tượng có thu nhập thấp như: ai là cơ quan xác nhận, tiêu chí như thế nào... cũng phải tiến hành đồng bộ. Đồng thời phải có cơ chế giám sát chặt chẽ nếu không cũng sẽ rất dễ phát sinh tiêu cực. Và nếu như triển khai tích cực thì sớm nhất cũng phải đến cuối quý IV/2009 hoặc quý I/2010.

* Đối với người có thu nhập thấp thì vấn đề họ quan tâm đầu tiên là giá, theo ông mức như thế nào sẽ hợp lý?

Theo tôi, trong điều kiện hiện nay, các chủ đầu tư cần có những tính toán để làm sao mức giá nhà ở cho người thu nhập thấp khoảng 4 triệu/m2 là hợp lý. Như vậy với khoảng 200 đến 240 triệu đồng, người dân có thể sở hữu một căn hộ 50 - 60 m2.

* Tại sao chỉ đến khi thị trường khó khăn, một số DN mởi tỏ ra "mặn mà" với dự án nhà ở xã hội?

Bởi đây chính là lời giải cho bài toán phá băng thị trường BĐS hiện nay. Khi mà thị trường nhà ở thương mại bị đóng băng phải tính đến nhu cầu thực của thị trường - những người cần nhà - thu nhập thấp. Tuy lãi thấp hơn nhưng triển vọng kinh doanh có vẻ sáng sủa hơn. Bản thân Cty chúng tôi cũng đang tính đến việc triển khai dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp tại Gia Lâm. Theo nhận định của cá nhân tôi chỉ khi nào có sản phẩm BĐS cho người thu nhập thấp, khi đó thị trường mới có thể khởi sắc. Đây sẽ là động lực, là đòn bẩy tạo tâm lý rất tốt cho thị trường BĐS.

* Xin cảm ơn ông!

Viglacera Land
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Các tin khác
  • Các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng: Giữ vững nhịp độ tăng trưởng

    Lượt xem : 6220
    Ngay sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp ngành Xây dựng đã triển khai ngay công việc, giữ vững nhịp độ sản xuất kinh doanh.
    Chi tiết
  • Thị trường bất động sản Hà Nội: Thời của nhu cầu thực

    Lượt xem : 5759
    Những cú hích quan trọng Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và nền kinh tế nước ta trong năm 2009 được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn đã tác động đến thị trường BĐS vốn dĩ trầm lắng rất lâu sau cơn sốt ảo.
    Chi tiết
  • Quản lý nguồn nguyên liệu làm VLXD: Nhân giá trị tài nguyên

    Lượt xem : 5980
    Trong bối cảnh nhiều DN đua tranh hạ giá bán các mặt hàng gốm sứ xây dựng nội địa, ngoài những nguyên nhân do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế, liệu còn yếu tố nào khác nằm ở công tác quản lý nguồn nguyên, nhiên liệu? Đó là câu hỏi buộc phải “giải mã” cho được, để qua đó tiến tới xây dựng một nền công nghiệp sản xuất VLXD phát triển bền vững.
    Chi tiết
  • Consmat 2008: Khẳng định thương hiệu ngành Xây dựng - VLXD & BĐS Việt Nam

    Lượt xem : 5613
    Hội chợ Triển lãm chuyên ngành Xây dựng, VLXD&BĐS Việt Nam (Consmat 2008) vừa khai mạc sáng nay, 10/12, tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (Giảng Võ, Hà Nội) dưới sự bảo trợ và chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam và Hội VLXD Việt Nam.
    Chi tiết
  • Thúc đẩy ứng dụng vật liệu, thiết bị và công nghệ mới trong xây dựng nhà cao tầng

    Lượt xem : 5670
    Ngày 23/12, tại Hà Nội, dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Công ty CP IEC Việt Nam đã tổ chức Hội thảo giới thiệu vật liệu xây dựng, thiết bị và công nghệ mới trong thi công xây dựng nhà cao tầng.
    Chi tiết
  • Ngành gốm sứ xây dựng đang khó khăn

    Lượt xem : 6280
    (Ông Đinh Quang Huy - Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Xây dựng) Được biết, hiện hàng loạt nhà máy sản xuất gạch ngói đất sét nung, trong đó có những nhà máy công nghệ hiện đại sản xuất ceramic, sứ vệ sinh cũng buộc phải ngừng sản xuất do sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Xin ông cho biết những con số có tính “định lượng” để qua đó thấy được thực trạng của ngành sản xuất gốm sứ xây dựng (GSXD) hiện nay?
    Chi tiết