BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 02/2025

09:07 | 06/02/2025
BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 02/2025
(TỪ NGÀY 21.01.2025 – 05.02.2025)
VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
 
1. Quyết định 55/QĐ-BXD - Hướng dẫn tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát
Quyết định 55/QĐ-BXD năm 2025 hướng dẫn tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát do Bộ trưởng Bộ Xây dựng, có hiệu lực từ ngày 20/01/2025.
Theo đó, nhà tạm, nhà dột nát là nhà ở được xây dựng trên đất ở không có tranh chấp, không thuộc trường hợp quy định tại Điều 2 Quyết định này và đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
(1) Về diện tích nhà ở
- Đối với hộ đơn thân thì có diện tích nhỏ hơn 18 m2.
- Đối với trường hợp hộ gia đình thì có diện tích nhỏ hơn 30 m2 và diện tích bình quân đầu người nhỏ hơn 8 m2.
(2) Về kết cấu nhà ở
Nhà ở có kết cấu không bền chắc là nhà ở có ít nhất hai trong ba kết cấu chính bao gồm nền - móng, khung - tường, mái được làm bằng vật liệu không bền chắc, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Kết cấu không bền chắc là kết cấu không thuộc các trường hợp sau:
- Nền - móng nhà được làm bằng các loại vật liệu có tác dụng làm tăng độ cứng của nền như: vữa xi măng - cát, bê tông, bê tông cốt thép, gạch, đá, gạch lát, gỗ.
- Khung - tường bao gồm hệ thống khung, cột, tường kể cả móng đỡ. Trong đó, khung, cột được làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc; tường được xây bằng gạch, đá, hoặc làm từ gỗ bền chắc, kim loại.
- Mái gồm hệ thống đỡ mái và mái lợp. Trong đó, hệ thống đỡ mái được làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc; mái được làm bằng bê tông cốt thép hoặc lợp ngói. Trường hợp mái bằng tôn lợp giả ngói, tôn lạnh, tôn cách nhiệt, tôn cán sóng và có kết cấu đỡ chắc chắn (khung sắt, thép, gỗ bền chắc) liên kết bền chặt với tường xây, cột bê tông cốt thép thì mái tôn trong trường hợp này được coi là vật liệu bền chắc.
(3) Về thời gian sử dụng
Nhà ở được xây dựng bằng vật liệu bền chắc có thời gian sử dụng từ 20 năm trở lên, chưa được cải tạo, sửa chữa, hiện đã xuống cấp, hư hỏng, không bảo đảm an toàn khi sử dụng.
(4) Đối với các tiêu chí khác (nếu có) như: Không gian chức năng (bếp, vệ sinh), hệ thống kỹ thuật trong nhà (cấp điện, cấp nước), an toàn cháy nổ... căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, quyết định.
Tùy điều kiện thực tế, các bộ phận nhà ở quy định tại khoản (2) có thể làm bằng vật liệu địa phương có chất lượng tương đương do cơ quan chuyên môn của địa phương xác định chủng loại cụ thể và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt hoặc ủy quyền cho Sở Xây dựng phê duyệt.
 
2. Quyết định 88/QĐ-BTTTT - Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định 88/QĐ-BTTTT năm 2025 về Bộ Quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, có hiệu lực từ ngày 21/01/2025.
Trong đó, quy tắc ứng xử chung là những quy tắc áp dụng cho tất cả các nhóm đối tượng:
- Tuân thủ pháp luật Việt Nam về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em; luôn vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
- Ứng xử lành mạnh, tích cực, phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của Việt Nam và phù hợp với độ tuổi trẻ em trên môi trường mạng.
- Không sử dụng các hình ảnh và thông tin cá nhân của trẻ mà chưa được sự đồng ý của trẻ, cha, mẹ và người chăm sóc trẻ em theo quy định của pháp luật.
- Không sử dụng các hình ảnh và thông tin cá nhân của trẻ em cho các mục đích có nguy cơ ảnh hưởng tới sự an toàn, phát triển lành mạnh của trẻ em.
- Tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức cộng đồng, xã hội thực hiện bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
- Khi nghi ngờ hoặc phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em, rủi ro đối với trẻ em trên môi trường mạng, nội dung độc hại đối với trẻ em cần khẩn trương, kịp thời phản ánh, tố giác tới các địa chỉ sau:
+ Tổng đài điện thoại quốc gia về bảo vệ trẻ em (số 111);
+ Cơ quan công an nơi gần nhất;
+ Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (VN-COP) (https://vn-cop.vn/bao-cao-xam-pham; email: bvte@vncert.vn). 
 
3. Thông tư 03/2025/TT-BTC - Quy định thu, chi, quản lý, sử dụng tiền bán hồ sơ mời tham gia đấu giá
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 03/2025/TT-BTC hướng dẫn về chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá tài sản; quy định việc thu, chi, quản lý và sử dụng tiền bán hồ sơ mời tham gia đấu giá, tiền đặt trước của người tham gia đấu giá không được nhận lại theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản, có hiệu lực từ ngày 22/01/2025.
Theo đó, việc thu, chi, quản lý, sử dụng tiền bán hồ sơ mời tham gia đấu giá được quy định như sau:
- Trường hợp người có tài sản thuê tổ chức hành nghề đấu giá tài sản tổ chức đấu giá: Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản có trách nhiệm bán, thu tiền bán hồ sơ mời tham gia đấu giá. Tiền bán hồ sơ mời tham gia đấu giá thuộc về tổ chức hành nghề đấu giá tài sản. Việc quản lý, sử dụng tiền bán hồ sơ mời tham gia đấu giá được thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư 03/2025.
- Trường hợp người có tài sản thành lập Hội đồng đấu giá tài sản để tổ chức đấu giá: Hội đồng đấu giá tài sản có trách nhiệm bán, thu tiền bán hồ sơ mời tham gia đấu giá. Tiền bán hồ sơ mời tham gia đấu giá thuộc về người có tài sản đấu giá. Việc quản lý, sử dụng tiền bán hồ sơ mời tham gia đấu giá được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 03/2025.
- Trường hợp tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu tự đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 64 Luật Đấu giá tài sản 2016: Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có trách nhiệm thu tiền bán hồ sơ mời tham gia đấu giá. Việc quản lý, sử dụng tiền bán hồ sơ mời tham gia đấu giá được thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Thông tư 03/2025.
- Việc sử dụng hóa đơn, chứng từ khi bán hồ sơ mời tham gia đấu giá quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 7 Thông tư 03/2025 được thực hiện theo quy định của pháp luật về hóa đơn, chứng từ.
+ Đối với trường hợp nộp tiền mua hồ sơ trực tiếp thì thời điểm lập hóa đơn bán hồ sơ mời tham gia đấu giá thực hiện theo quy định của pháp luật về hóa đơn, chứng từ nhưng chậm nhất phải trước thời điểm kết thúc việc bán hồ sơ mời tham gia đấu giá.
+ Đối với trường hợp nộp tiền mua hồ sơ theo phương thức điện tử thì giao dịch phải hoàn thành trước thời điểm kết thúc việc bán hồ sơ mời tham gia đấu giá. Thời điểm lập hóa đơn bán hồ sơ mời tham gia đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về hóa đơn, chứng từ nhưng chậm nhất được thực hiện trong ngày kết thúc việc bán hồ sơ.
 
4. Quyết định 232/QĐ-TTg - Sẽ có 02 loại hàng hóa trên thị trường các-bon tại Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 232/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam (gọi tắt là Đề án), có hiệu lực từ ngày 24/01/2025.
Cụ thể theo Đề án, hàng hóa trên thị trường các-bon tại Việt Nam sẽ có 02 loại, gồm:
- Hạn ngạch phát thải khí nhà kính, được phân bổ cho các cơ sở thuộc Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo phương thức miễn phí và phương thức đấu giá.
- Tín chỉ các-bon được xác nhận giao dịch trên thị trường, trong đó gồm:
+ Tín chỉ các-bon thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước theo quy định của pháp luật;
+ Tín chỉ các-bon thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon quốc tế, gồm:
(i) Tín chỉ các-bon thu được từ Cơ chế phát triển sạch (CDM).
(ii) Tín chỉ các-bon thu được từ Cơ chế tín chỉ chung (JCM).
(iii) Tín chỉ các-bon thu được theo Cơ chế theo Điều 6 Thỏa thuận Paris.
Các chủ thể tham gia thị trường các-bon tại Việt Nam gồm:
- Chủ thể tham gia giao dịch:
+ Đối với giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính:
Các cơ sở thuộc Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính.
+ Đối với giao dịch tín chỉ các-bon:
(i) Các cơ sở thuộc Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính.
(ii) Tổ chức thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước hoặc thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
(iii) Tổ chức và cá nhân đủ điều kiện tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh tín chỉ các-bon.
- Các tổ chức hỗ trợ giao dịch: tùy thuộc dự kiến quy mô thị trường có thể bao gồm các tổ chức làm các nhiệm vụ hỗ trợ giao dịch.
 
5. Công văn 25/TANDTC-KHTC - Tòa án nhân dân tối cao hướng đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử bán tài sản công
Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn 25/TANDTC-KHTC về việc hướng đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử bán tài sản công, có hiệu lực từ ngày 24/01/2025.
Theo đó, thực hiện Công văn 14590/BTC-QLCS ngày 31/12/2024 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử bán tài sản công và tiêu hủy hóa đơn bán tài sản công bản giấy chưa sử dụng quy định tại Điều 95 Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 60 Điều 1 Nghị định 114/2024/NĐ-CP) quy định: “Thời hạn bắt buộc phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử bán tài sản công là từ ngày 01 tháng 01 năm 2025”.
Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Thủ trưởng các đơn vị dự toán thuộc Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo đơn vị mình và các đơn vị thuộc phạm vi quản lý khẩn trương triển khai thực hiện nội dung sau:
- Đơn vị sử dụng tài sản công đã có Mã số thuế thực hiện việc đăng ký và sử dụng hóa đơn bán tài sản công trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế “httpps://hoadondientu.gdtgov.vn” theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ.
- Đối với đơn vị chưa được cấp Mã số thuế thì liên hệ với cơ quan thuế tại nơi đóng trụ sở để được cấp Mã số thuế và thực hiện việc đăng ký và sử dụng hóa đơn bán tài sản công theo quy định tại khoản 1 Công văn 25/TANDTC-KHTC ngày 24/01/2025.
- Để đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử bán tài sản công, đơn vị phải có chứng thư số theo quy định hiện hành.
 
6. Luật Điện lực 2024 - Thẩm quyền xây dựng, trình, phê duyệt, quyết định giá điện
Luật Điện lực 2024 có hiệu lực từ ngày 01/02/2025.
Trong đó, thẩm quyền xây dựng, trình, phê duyệt, quyết định giá điện được quy định như sau:
- Chính phủ quy định cơ chế, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân;
- Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện và khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân;
- Bộ Công Thương xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định nội dung tại điểm a và điểm b khoản này; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về giá bán điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia, phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh; lộ trình giảm bù chéo giá điện quy định tại khoản 12 Điều 5 Luật Điện lực 2024; lộ trình cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, bao gồm giá bán lẻ điện có nhiều thành phần mà trong đó có tối thiểu 02 thành phần như giá công suất, giá điện năng, giá cố định, giá biến đổi hoặc thành phần giá khác (nếu có) được áp dụng cho các nhóm khách hàng khi điều kiện kỹ thuật cho phép; cơ chế giá điện phù hợp cho các nhóm khách hàng sử dụng điện quy định tại khoản 12 Điều 5 Luật Điện lực 2024;
- Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định giá bán buôn điện; phương pháp lập và trình tự, thủ tục phê duyệt khung giá bán buôn điện.
Luật Điện lực 2024 thay thế Luật Điện Lực 2004 và Luật điện lực sửa đổi 2012.