BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 10/2024
13:54 | 08/10/2024
BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 10/2024
(TỪ NGÀY 21.09.2024 – 05.10.2024)
VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
1. Nghị quyết 53/2024/UBTVQH15 - Bổ sung 02 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết 53/2024/UBTVQH15 về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, có hiệu lực từ ngày 26/9/2024.
Cụ thể, bổ sung các dự án luật, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sau đây vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn các dự án, dự thảo gồm:
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu;
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia;
- Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự;
- Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.
2. Thông tư 15/2024/TT-BKHĐT - Ban hành mẫu hồ sơ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư 15/2024/TT-BKHĐT quy định mẫu hồ sơ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, dự án đầu tư kinh doanh; cung cấp, đăng tải thông tin về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, có hiệu lực kể từ ngày 30/9/2024.
Theo đó, ban hành 12 phụ lục về mẫu hồ sơ đấu thầu bao gồm:
(1) Phụ lục I: Mẫu thông báo khảo sát sự quan tâm dự án PPP
(2) Phụ lục II: Mẫu thông báo khảo sát sự quan tâm dự án có yếu tố đặc biệt
(3) Phụ lục III: Mẫu hồ sơ mời sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP
(4) Phu luc IV: Mẫu hồ sơ mời đàm phán đối với dự án PPP áp dụng hình thức đàm phán cạnh tranh theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 38 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 (Luật PPP)
(5) Phụ lục V: Mẫu hồ sơ mời thầu đối với dự án PPP áp dụng sơ tuyển
(6) Phụ lục VI: Mẫu hồ sơ mời thầu đối với dự án PPP không áp dụng sơ tuyển và dự án PPP áp dụng hình thức đàm phán cạnh tranh theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật PPP
(7) Phụ lục VII: Mẫu hồ sơ mời thầu đối với dự án PPP áp dụng hình thức đàm phán cạnh tranh theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 38 Luật PPP
(8) Phụ lục VIII: Mẫu hồ sơ mời thầu đối với dự án ppp áp dụng hình thức đàm phán cạnh tranh theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 38 Luật PPP
(9) Phụ lục IX: Mẫu hồ sơ mời thầu một giai đoạn một túi hồ sơ dự án đầu tư có sử dụng đất
(10) Phụ lục X: Mẫu hồ sơ mời thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ dự án đầu tư có sử dụng đất
(11) Phụ lục XI: Hồ sơ mời thầu một giai đoạn một túi hồ sơ dự án đầu tư thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực
(12) Phụ lục XII: Mẫu hồ sơ mời thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ dự án đầu tư thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực
3. Nghị định 119/2024/NĐ-CP - Hướng dẫn về sử dụng tài khoản giao thông
Hướng dẫn về sử dụng tài khoản giao thông là nội dung được Chính phủ ban hành tại Nghị định 119/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 01/10/2024.
Theo đó, việc sử dụng tài khoản giao thông được hướng dẫn như sau:
- Chủ phương tiện phải bảo đảm đủ tiền trong phương tiện thanh toán được kết nối với tài khoản giao thông khi thực hiện thanh toán điện tử giao thông đường bộ.
- Trường hợp số tiền trong phương tiện thanh toán được kết nối với tài khoản giao thông không đủ để thực hiện thanh toán tiền sử dụng đường bộ trên đường cao tốc thì phương tiện không được đi qua trạm thu phí đường bộ trên đường cao tốc.
- Trường hợp số tiền trong phương tiện thanh toán được kết nối với tài khoản giao thông không đủ để thực hiện thanh toán tiền sử dụng đường bộ thì phương tiện phải sử dụng làn thu phí hỗn hợp tại trạm thu phí đường bộ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 119/2024/NĐ-CP .
- Trường hợp số tiền trong phương tiện thanh toán được kết nối với tài khoản giao thông không đủ để thực hiện thanh toán điện tử giao thông đường bộ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 12 Nghị định 119/2024/NĐ-CP thì thực hiện các hình thức thanh toán khác tại điểm thu.
- Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ sử dụng trực tiếp các tài khoản giao thông do mình quản lý để thực hiện thanh toán điện tử giao thông đường bộ đối với các dịch vụ do Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ cung cấp.
- Khi có yêu cầu hoặc được sự đồng ý của chủ tài khoản giao thông, Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ sử dụng thông tin tài khoản giao thông thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ để thực hiện thanh toán điện tử giao thông đường bộ đối với các dịch vụ do Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ cung cấp. Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ cung cấp tài khoản truy cập ứng dụng thanh toán điện tử giao thông đường bộ cho chủ phương tiện.
- Trong trường hợp Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông không duy trì được dịch vụ thanh toán điện tử giao thông đường bộ, Bộ Giao thông vận tải quyết định việc sử dụng tài khoản giao thông để bảo đảm không gián đoạn hoạt động thanh toán điện tử giao thông đường bộ trên cơ sở đồng ý của chủ tài khoản giao thông.
4. Thông tư 30/2024/TT-BGTVT - Sửa đổi quy định về cấp phát ấn chỉ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường với xe cơ giới từ 01/10/2024
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 30/2024/TT-BGTVT ngày 12/8/2024 sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và Thông tư 03/2018/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng của Nghị định 116/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 01/10/2024.
Theo đó, Thông tư 30/2024/TT-BGTVT đã sửa đổi, bổ sung Điều 10 Thông tư 16/2021/TT-BGTVT về cấp phát ấn chỉ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô; rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô như sau:
- Đơn vị đăng kiểm đề nghị cung cấp ấn chỉ kiểm định trên Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Giao thông vận tải theo mẫu quy định tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư 30/2024/TT-BGTVT từ ngày 15 đến ngày 20 của tháng cuối mỗi quý.
- Cục Đăng kiểm Việt Nam căn cứ vào nhu cầu, năng lực kiểm định của các đơn vị đăng kiểm để gửi ấn chỉ kiểm định qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc cấp trực tiếp cho đơn vị đăng kiểm. Thời gian thực hiện từ ngày 23 đến ngày 30 của tháng cuối mỗi quý.
- Trường hợp đề nghị cấp bổ sung, đơn vị đăng kiểm đề nghị cung cấp ấn chỉ kiểm định bổ sung trên Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Giao thông vận tải theo mẫu quy định tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư 30/2024/TT-BGTVT .
Cục Đăng kiểm Việt Nam gửi ấn chỉ kiểm định qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc cấp trực tiếp cho đơn vị đăng kiểm trong 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị cung cấp ấn chỉ kiểm định bổ sung.
5. Nghị quyết 174/NQ-CP - 04 nội dung cần hoàn thiện tại dự án Luật sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế
Chính phủ ban hành Nghị quyết 174/NQ-CP về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 9 năm 2024, có hiệu lực từ ngày 02/10/2024.
Tại phiên họp ngày 23/9/2024, Chính phủ đã cho ý kiến về 02 dự án Luật (Dự án Luật Dữ liệu, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế) và 02 đề nghị xây dựng Luật (Đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và Đề nghị xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi)).
Trong đó, Chính phủ họp xem xét, cho ý kiến đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Ghi nhận các vấn đề vướng mắc trong thực tế, trước mắt Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung cấp bách để đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm xã hội; cơ bản bám sát 04 chính sách lớn đã được Chính phủ thông qua, đáp ứng được yêu cầu đồng bộ với các luật có liên quan; bảo đảm yêu cầu phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, tạo thuận lợi cho người dân.
Bộ Y tế nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Chính phủ, ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan, hoàn thiện với yêu cầu sau:
- Về thẻ bảo hiểm y tế điện tử: tiếp thu ý kiến Bộ Tư pháp xác định lộ trình để thực hiện.
- Về xử lý vi phạm đối với hành vi “chậm đóng” bảo hiểm y tế: cần rà soát sửa đổi, bổ sung đồng bộ với Luật xử lý vi phạm hành chính và Luật Bảo hiểm xã hội.
- Bỏ điều khoản liên quan đến giao Chính phủ quy định trường hợp chưa thống nhất trong thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
- Tiếp tục nghiên cứu nghiêm túc các vấn đề cốt lõi dẫn đến vướng mắc trên thực tế đối với đối tượng thụ hưởng bảo hiểm y tế, chế độ chính sách với người quản lý bảo hiểm y tế, mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế, nội dung, trách nhiệm giám định bảo hiểm y tế và một số vấn đề lớn khác các Phó Thủ tướng đã nêu (ngân sách nhà nước hỗ trợ cơ sở khám chữa bệnh do nợ bảo hiểm xã hội lớn trong khả năng của ngân sách các cấp; giao Bộ Y tế ban hành quy trình khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và vật tư, thuốc; ...).
6. Nghị định 123/2024/NĐ-CP - Hình thức xử phạt, khắc phục hậu quả vi phạm hành chính về đất đai
Chính phủ ban hành Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, có hiệu lực từ ngày 04/10/2024.
Theo đó hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai bao gồm:
- Hình thức xử phạt hành chính:
+ Cảnh cáo;
+ Phạt tiền.
- Hình thức xử phạt bổ sung bao gồm:
+ Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất;
+ Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề tư vấn có thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn có thời hạn từ 09 tháng đến 12 tháng.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a và điểm i khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, căn cứ tính chất, mức độ vi phạm mà tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
+ Buộc đăng ký đất đai;
+ Buộc thực hiện thủ tục để được phê duyệt dự án chăn nuôi tập trung có quy mô lớn;
+ Buộc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính và làm thủ tục để được bàn giao đất trên thực địa;
+ Buộc bên nhận chuyển quyền, bên thuê, bên thuê lại, bên nhận góp vốn, bên nhận tài sản gắn liền với đất phải trả lại đất;
+ Buộc chấm dứt hợp đồng cho thuê, cho thuê lại, thế chấp, chuyển đổi, góp vốn, mua, bán tài sản gắn liền với đất; mua, bán tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất;
+ Buộc lập phương án sử dụng đất nông nghiệp đối với tổ chức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp;
+ Buộc thành lập tổ chức kinh tế và lập phương án sử dụng đất trồng lúa đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lúa vượt hạn mức;
+ Buộc trả lại tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất;
+ Buộc ký lại hợp đồng thuê đất;
+ Buộc phải nộp hồ sơ để làm thủ tục xin chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án;
+ Buộc đưa đất vào sử dụng;
+ Buộc nộp hồ sơ để làm thủ tục chuyển sang thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
+ Hủy bỏ kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đất đai;
+ Buộc phải cung cấp, cung cấp lại thông tin, giấy tờ, tài liệu.
Các tin khác