BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 11/2024
09:06 | 05/11/2024
BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 10/2024
(TỪ NGÀY 21.10.2024 – 05.11.2024)
VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
1. Nghị định 135/2024/NĐ-CP - Các hành vi trái quy định trong quá trình phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ từ 22/10/2024
Chính phủ ban hành Nghị định 135/2024/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ, có hiệu lực từ 22/10/2024.
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 135/2024/NĐ-CP thì các hành vi trái quy định trong quá trình phát triển, vận hành điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ bao gồm:
- Thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ không đúng quy định tại Nghị định 135/2024/NĐ-CP.
- Xây dựng, lắp đặt, vận hành công suất vượt quá công suất đã thông báo hoặc được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đối với điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia.
- Các tổ chức, cá nhân không tuân thủ lệnh điều độ của các cấp điều độ hệ thống điện.
2. Công điện 109/CĐ-TTg - Chính phủ yêu cầu tăng cường tập trung chỉ đạo, triển khai thi hành Luật Đất đai
Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 109/CĐ-TTg tăng cường tập trung chỉ đạo, triển khai thi hành Luật Đất đai 2024, ban hành ngày 22/10/2024.
Theo đó, do các địa phương chưa ban hành đầy đủ các văn bản thuộc thẩm quyền đã hạn chế hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật Đất đai 2024, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, thủ tục hành chính, hiệu lực hiệu quả trong thực hiện các chính sách mới của Luật Đất đai 2024. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ được quy định cụ thể tại Công điện 109/CĐ-TTg năm 2024 như sau:
- Phê bình nghiêm khắc Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng và các tỉnh: Lạng Sơn, Khánh Hòa, Đăk Lăk, Bến Tre, Sóc Trăng chậm trễ trong việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024. Yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra việc chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024.
- Yêu cầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung đã chỉ đạo tại Công điện 105/CĐ-TTg năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung chỉ đạo, triển khai thi hành Luật Đất đai 2024, trong đó phải tập trung chỉ đạo ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong Luật Đất đai 2024 và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024; việc ban hành văn bản quy định chi tiết được giao tại Luật Đất đai 2024 và các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024 phải hoàn thành trước ngày 31/10/2024, báo cáo kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để chậm trễ ban hành các văn bản nêu trên.
- Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thường xuyên theo dõi, đôn đốc các địa phương trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai 2024 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024.
- Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm, hiệu quả Công điện 109/CĐ-TTg năm 2024.
- Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương trong việc thực hiện Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng phụ trách những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.
3. Nghị định 138/2024/NĐ-CP - Quyết toán kinh phí sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị
Chính phủ ban hành Nghị định 138/2024/NĐ-CP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng, có hiệu lực từ ngày 24/10/2024.
Theo đó, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện tổng hợp chung kinh phí thực hiện các nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng trong báo cáo quyết toán ngân sách hằng năm của cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật về quyết toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước, pháp luật về kế toán, các văn bản hướng dẫn và quy định pháp luật khác có liên quan và được quy định cụ thể tại Điều 11 Nghị định 138/2024/NĐ-CP như sau:
- Đối với nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng có dự toán kinh phí thực hiện dưới 500 triệu đồng: Các cơ quan, đơn vị tổng hợp chung trong báo cáo quyết toán hàng năm theo quy định của pháp luật về quyết toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước, pháp luật về kế toán và các văn bản hướng dẫn.
- Đối với nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng có dự toán kinh phí thực hiện từ 500 triệu đồng trở lên đến dưới 15 tỷ đồng: Ngoài việc tổng hợp báo cáo quyết toán hàng năm theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 138/2024/NĐ-CP, cơ quan, đơn vị áp dụng quy định tại Nghị định 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện các nội dung công việc liên quan đến lập, thẩm tra, phê duyệt và trách nhiệm quyết toán dự án hoàn thành sử dụng kinh phí chi thường xuyên theo quy định tại Nghị định 138/2024/NĐ-CP sau khi hoàn thành công trình xây dựng.
4. Nghị định 140/2024/NĐ-CP - Các trường hợp rừng trồng được thanh lý từ 25/10/2024
Chính phủ ban hành Nghị định 140/2024/NĐ-CP quy định về thanh lý rừng trồng, có hiệu lực từ ngày 25/10/2024.
Theo đó, các trường hợp rừng trồng được thanh lý được quy định tại Điều 7 Nghị định 140/2024/NĐ-CP bao gồm:
- Rừng trồng đang trong giai đoạn đầu tư bị thiệt hại do một trong các nguyên nhân quy định tại Điều 4 Nghị định 140/2024/NĐ-CP và không đáp ứng các chỉ tiêu nghiệm thu sau khi trồng rừng theo quy định của pháp luật về đầu tư công trình lâm sinh.
- Rừng trồng sau giai đoạn đầu tư bị thiệt hại do một trong các nguyên nhân quy định tại Điều 4 Nghị định 140/2024/NĐ-CP và không đạt tiêu chuẩn quốc gia về rừng trồng. Chỉ khai thác tận dụng hoặc chặt bỏ đối với những cây không còn khả năng phục hồi; những cây còn khả năng phục hồi được thống kê, kiểm đếm và đề xuất giải pháp phục hồi tại Phương án thanh lý rừng trồng theo Mẫu số 04 tại Phụ lục kèm theo Nghị định 140/2024/NĐ-CP .
5. Nghị quyết 55/2024/UBTVQH15 - Bổ sung 02 dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 55/2024/UBTVQH15 về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, trong đó, bổ sung 02 dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, có hiệu lực từ ngày 28/10/2024.
- Bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
- Bổ sung dự án Luật Tình trạng khẩn cấp và dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
(Theo Điều 51 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh như sau:
(i) Ủy ban thường vụ Quốc hội tự mình hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh quyết định điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong các trường hợp sau đây:
- Đưa ra khỏi chương trình các dự án luật, pháp lệnh không cần thiết phải ban hành do có sự thay đổi về tình hình kinh tế - xã hội hoặc điều chỉnh thời điểm trình trong trường hợp cần thiết;
- Bổ sung vào chương trình các dự án luật, pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu cấp thiết phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tính mạng, tài sản của Nhân dân; các dự án luật, pháp lệnh cần sửa đổi theo các văn bản mới được ban hành để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật hoặc để thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Việc bổ sung vào chương trình được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 32 đến Điều 42, các điều 44, 45, 47 và khoản 1 Điều 48 của Luật này).
(ii) Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất về việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
6. Quyết định 1749/QĐ-KTNN - Ban hành Quy chế quản lý, khai thác và sử dụng phần mềm báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách, dự toán kinh phí phục vụ hoạt động kiểm toán
Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành Quyết định 1749/QĐ-KTNN năm 2024 về Quy chế quản lý, khai thác và sử dụng phần mềm Cơ sở dữ liệu báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách, dự toán kinh phí phục vụ hoạt động kiểm toán, có hiệu lực kể từ ngày 28/10/2024.
Cụ thể, ban hành kèm theo Quyết định 1749/QĐ-KTNN năm 2024 là Quy chế quản lý, khai thác và sử dụng phần mềm Cơ sở dữ liệu báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách, dự toán kinh phí phục vụ hoạt động kiểm toán.
Quy chế trên quy định trách nhiệm, quyền hạn của các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước, cá nhân có liên quan trong việc quản lý, khai thác và sử dụng phần mềm Cơ sở dữ liệu báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách, dự toán kinh phí phục vụ hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.
Áp dụng với các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (gọi tắt là công chức) của các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước trong việc quản lý, khai thác, sử dụng phần mềm Cơ sở dữ liệu báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách, dự toán kinh phí phục vụ hoạt động kiểm toán.
Thep đó, nguyên tắc quản lý, vận hành và sử dụng phần mềm được quy định như sau:
- Hoạt động cài đặt, quản lý, vận hành và sử dụng phần mềm phải đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, quy định của Kiểm toán nhà nước và quy định pháp luật liên quan.
- Phần mềm được quản lý tập trung, thống nhất tại Trung tâm dữ liệu Kiểm toán nhà nước, vận hành thông qua hệ thống mạng Internet, đảm bảo hoạt động liên tục, ổn định, an toàn và bảo mật thông tin.
- Phần mềm được quản lý, vận hành đảm bảo nguyên tắc đề cao trách nhiệm công chức của Kiểm toán nhà nước và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý, khai thác và sử dụng phần mềm, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của phần mềm.
- Bảo đảm hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin, các thiết bị có liên quan và môi trường cho việc cài đặt, vận hành phần mềm.
- Phần mềm phải lưu lại lịch sử truy cập phần mềm (log) để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của phần mềm.
7. Nghị định 111/2024/NĐ-CP - Quy định về khai thác, sử dụng hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng
Chính phủ đã ban hành Nghị định 111/2024/NĐ-CP quy định về hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng, có hiệu lực từ ngày 01/11/2024.
Cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước được quyền khai thác và sử dụng đầy đủ các trường dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, tiếp cận thông tin và phù hợp với nhu cầu của đơn vị;
Cá nhân, tổ chức được quyền khai thác, sử dụng dữ liệu mở được công bố và được khai thác bằng văn bản đối với các dữ liệu còn lại trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, tiếp cận thông tin và phù hợp với nhu cầu sử dụng của cá nhân, tổ chức.
Theo đó, hình thức khai thác cơ sở dữ liệu như sau:
- Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia;
- Cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng;
- Bằng văn bản theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin đối với các thông tin, dữ liệu không thuộc dữ liệu mở quy định tại khoản 3 Điều 6 và khoản 4 Điều 7 Nghị định 111/2024/NĐ-CP.
Lưu ý: Cơ quan quản lý nhà nước không được yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp các giấy tờ, thông tin đã có trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng.
Dữ liệu được tra cứu, khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng theo quy định nêu trên có giá trị sử dụng chính thức, tương đương văn bản giấy trong các hoạt động có liên quan đến lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng.
Các tin khác