BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 7/2022
BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 07/2022
(TỪ NGÀY 20.06.2022 – 05.07.2022)
VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
1. Nghị định 38/2022/NĐ-CP - Mức lương tối thiểu vùng theo tháng áp dụng từ ngày 01/7/2022
Chính phủ ban hành Nghị định 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có hiệu lực từ ngày 01/7/2022 và thay thế Nghị định 90/2019/NĐ-CP.
Trong đó quy định mức lương tối thiểu theo tháng được áp dụng từ ngày 01/7/2022.
Cụ thể, mức lương tối thiểu theo tháng đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động phân theo 4 vùng như sau:
+ Vùng I: 4.680.000 đồng/tháng.
+ Vùng II: 4.160.000 đồng/tháng.
+ Vùng III: 3.640.000 đồng/tháng.
+ Vùng IV: 3.250.000 đồng/tháng.
(Mức lương tối thiểu nêu trên tăng 6% so với mức lương tối thiểu hiện hành).
Đồng thời, Nghị định 38/2022/NĐ-CP cũng bổ sung mức lương tối thiểu vùng theo giờ so với quy định hiện nay.
Lưu ý:
- Danh mục địa bàn vùng I, vùng II, vùng III, vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP.
- Việc áp dụng địa bàn vùng còn có thể được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động theo các nguyên tắc quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP.
- Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương của các hình thức trả lương này nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ.
Mức lương quy đổi theo tháng hoặc theo giờ trên cơ sở thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động lựa chọn theo quy định của pháp luật lao động.
2. Nghị định 20/2022/NĐ-CP - Bổ sung quy định về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng
Nghị định 20/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 119/2015/NĐ-CP quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, có hiệu lực từ ngày 01/7/2022.
Theo đó, bổ sung quy định về số tiền bảo hiểm tối thiểu (BHTT) đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba như sau:
- Số tiền BHTT đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng là một trăm (100) triệu đồng cho một người trong một vụ và không giới hạn số vụ tổn thất.
- Số tiền BHTT đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) được xác định như sau:
+ Đối với công trình có giá trị dưới 1.000 (một nghìn) tỷ đồng: là 10% giá trị công trình cho cả thời hạn bảo hiểm và không giới hạn số vụ tổn thất.
+ Đối với công trình có giá trị từ 1.000 (một nghìn) tỷ đồng trở lên: là 100 (một trăm) tỷ đồng cho cả thời hạn bảo hiểm và không giới hạn số vụ tổn thất.
Các hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, HĐBH trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba đã giao kết trước ngày 01/07/2022:
- Được tiếp tục thực hiện theo quy định pháp luật tại thời điểm giao kết HĐBH;
- Trường hợp sửa đổi, bổ sung HĐBH có nội dung sửa đổi, bổ sung được quy định tại Nghị định 20/2022/NĐ-CP thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
3. Nghị định 123/2020/NĐ-CP - Quy định các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ
Đây là nội dung tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ, có hiệu lực từ ngày 01/7/2022.
Theo đó, các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ quy định như sau:
- Đối với công chức thuế:
+ Gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân đến mua hóa đơn, chứng từ;
+ Có hành vi bao che, thông đồng cho tổ chức, cá nhân để sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp;
+ Nhận hối lộ khi thanh tra, kiểm tra về hóa đơn.
- Đối với tổ chức, cá nhân bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan:
+ Thực hiện hành vi gian dối như sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn;
+ Cản trở công chức thuế thi hành công vụ, cụ thể các hành vi cản trở gây tổn hại sức khỏe, nhân phẩm của công chức thuế khi đang thanh tra, kiểm tra về hóa đơn, chứng từ;
+ Truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ;
+ Đưa hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan hóa đơn, chứng từ nhằm mưu lợi bất chính.
4. Thông tư 78/2021/TT-BTC - Tiêu chí đối với tổ chức cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử
Nội dung này được đề cập tại Thông tư 78/2021/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế, Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ, có hiệu lực từ ngày 01/7/2022.
Theo đó, tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử (HĐĐT) có mã của cơ quan thuế và không có mã cho người bán và người mua phải đáp ứng các tiêu chí cụ thể về chủ thể, nhân sự, kỹ thuật, đơn cử như:
- Về chủ thể phải là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin được thành lập theo pháp luật Việt Nam; thông tin về dịch vụ HĐĐT được công khai trên trang thông tin điện tử của tổ chức;
- Về nhân sự phải có tối thiểu 5 nhân sự trình độ đại học chuyên ngành về công nghệ thông tin;
- Về kỹ thuật phải có hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm đáp ứng yêu cầu như:
+ Cung cấp giải pháp khởi tạo, xử lý, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và hóa đơn điện tử không có mã cho người bán và người mua theo quy định của pháp luật về HĐĐT và pháp luật khác có liên quan;
+ Có giải pháp sao lưu, khôi phục, bảo mật dữ liệu HĐĐT;
+ Có tài liệu kết quả kiểm thử kỹ thuật thành công về giải pháp truyền nhận dữ liệu HĐĐT với tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu HĐĐT.
5. Thông tư 111/2021/TT-BTC - Quy định về kỳ kế toán thuế nội địa
Bộ Tài chính ban hành Thông tư 111/2021/TT-BTC hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thuế nội địa, có hiệu lực từ ngày 01/7/2022.
Theo đó, Kỳ kế toán thuế được xác định theo năm dương lịch, gọi là năm kế toán, bao gồm 4 ký tự, cụ thể:
- Kỳ kế toán thuế được tính từ đầu ngày 01/01 đến hết ngày 31/12 năm dương lịch.
- Kỳ kế toán thuế năm đầu tiên đối với đơn vị kế toán thuế mới thành lập được xác định từ đầu ngày quyết định thành lập mới, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập đơn vị kế toán thuế có hiệu lực đến hết ngày 31/12 năm dương lịch.
- Kỳ kế toán thuế cuối cùng của đơn vị kế toán thuế khi bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể tính từ đầu ngày 01/01 năm dương lịch đến hết ngày trước ngày quyết định chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể đơn vị kế toán thuế có hiệu lực.
- Thời gian của kỳ kế toán thuế năm đầu tiên, năm cuối cùng thực hiện theo hướng dẫn của Luật kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành.
6. Nghị định 41/2022/NĐ-CP - Biểu mẫu mới về xử lý hóa đơn điện tử đã lập có sai sót
Đây là nội dung tại Nghị định 41/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ và Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, có hiệu lực từ ngày 20/6/2022.
Theo đó, ban hành Mẫu số 01/TB-HĐSS thay thế Mẫu số 01/TB-SSĐT Phụ lục IB ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2022.
Cụ thể tên biểu mẫu: “Thông báo về việc tiếp nhận và kết quả xử lý về việc hóa đơn điện tử đã lập có sai sót”
Có 2 Ghi chú khi sử dụng Mẫu:
- Trường hợp CQT tiếp nhận Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP do NNT gửi đến theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì “Chữ ký số” là chữ ký số của cơ quan thuế.
- Trường hợp CQT tiếp nhận Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP do NNT gửi đến theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì “Chữ ký số” là chữ ký số của Thủ trưởng cơ quan thuế.