BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 02 - THÁNG 05/2022

13:46 | 20/05/2022

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 02 - THÁNG 05/2022

(TỪ NGÀY 06.05.2022 – 20.05.2022)

VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH

1. Nghị quyết 15-NQ/TW - Xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô

Nội dung này được đề cập tại Nghị quyết 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2045, có hiệu lực từ ngày 05/5/2022.

Cụ thể, xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại:

- Khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn).

- Khu vực phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai).

Đồng thời, nghiên cứu tăng tỉ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài;

Tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ Sông Hồng và Sông Đuống; quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng.

Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm kỷ cương quy hoạch và quản lý quy hoạch, bảo đảm công khai, minh bạch, có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, vừa phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, vừa tạo ra nguồn lực, không gian và động lực phát triển mới cho Thủ đô, gắn kết hài hoà, hợp lý, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các địa phương khác trong vùng và cả nước;

Trong đó, trọng tâm là Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông của Hà Nội.

Quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hoà, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn kết hợp với phát triển du lịch xanh.

2. Nghị quyết 64/NQ-CP - Chính phủ yêu cầu nghiên cứu sửa Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai

Nghị quyết 64/NQ-CP về thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật quy hoạch có hiệu lực thi hành và một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030; về việc hoàn thiện thủ tục, hồ sơ trình một số dự án luật, có hiệu lực từ ngày 06/5/2022

Theo đó, Chính phủ giao các Bộ, cơ quan có liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 37/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quy hoạch;

- Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định hướng dẫn Luật Đất đai để phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành và một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.

- Các bộ nghiên cứu, sửa đổi các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành về công tác quy hoạch còn mâu thuẫn, chồng chéo để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ và chất lượng quy hoạch;

Khẩn trương rà soát, nghiên cứu và ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chuyên ngành về quy hoạch.

Các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp để nâng cấp hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia, thống nhất công nghệ, định dạng dữ liệu về quy hoạch, cập nhật, chia sẻ thông tin bảo đảm tính công khai, minh bạch;

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về quy hoạch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tổ chức thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch…

3. Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP - Sửa đổi quy định về áp dụng án treo

Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ban hành Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo, có hiệu lực từ ngày 10/5/2022.

Theo đó, hướng dẫn điều kiện “Người bị xử phạt tù có nhân thân tốt” như sau:

Người bị xử phạt tù có nhân thân tốt là ngoài lần phạm tội này, người phạm tội chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.
- Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà tính đến ngày phạm tội lần này đã quá thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo;

- Đối với người bị kết án mà khi định tội đã sử dụng tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật” hoặc “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” hoặc “đã bị kết án” và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo; (Nội dung mới bổ sung)

- Đối với người bị kết án mà vụ án được tách ra để giải quyết trong các giai đoạn khác nhau (tách thành nhiều vụ án) và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo. (Nội dung mới bổ sung)

4. Nghị quyết 68/NQ-CP - Phấn đấu ít nhất 25 DNNN có vốn hóa chủ sở hữu trên 1 tỷ USD vào cuối 2025

Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội, có hiệu lực từ ngày 12/5/2022.

Theo đó, đến hết năm 2025 phấn đấu đạt một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể sau:

- 100% tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước ứng dụng quản trị trên nền tảng số, thực hiện quản trị doanh nghiệp tiệm cận với các nguyên tắc quản trị của OECD;

- Phấn đấu 100% tập đoàn kinh tế, tổng công ty có dự án triển khai mới, trong đó có một số dự án đầu tư tiêu biểu, có tính chất dẫn dắt, lan tỏa, mang thương hiệu của DNNN;

- Có ít nhất 25 DNNN có vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ đô la Mỹ, trong Đó có ít nhất 10 doanh nghiệp đạt mức trên 5 tỷ đô la Mỹ;
- 100% DNNN có định hướng và thực hiện chuyển dịch đầu tư, hướng đến các dự án đầu tư, sử dụng công nghệ xanh, sạch và giảm thải khí carbon;

- Đóng góp của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vào ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2021 - 2025 tăng khoảng 5% - 10% so với giai đoạn 2016 - 2020.

5. Công văn 1604/TCT-KK - Các bước tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế điện tử lần đầu qua Cổng DVCQG

Tổng cục Thuế ban hành Công văn 1604/TCT-KK về việc triển khai tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký thuế lần đầu, thay đổi thông tin ĐKT của cá nhân không kinh doanh qua Cổng DVCQG kết nối CSDLQG về dân cư, có hiệu lực từ ngày 16/5/2022.

Theo đó, các bước tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế điện tử lần đầu của NNT trên Cổng TTĐT của Tổng cục Thuế như sau:

- Bước 1: NNT sử dụng tài khoản đã cấp đăng nhập vào Cổng DVCQG và chọn "Đăng ký thuế lần đầu".

- Bước 2: Cổng DVCQG chuyển sang Cổng TTĐT của Tổng cục Thuế.

- Bước 3: Cổng TTĐT của Tổng cục Thuế kiểm tra NNT đã có MST chưa:

+ Đã cấp MST: Hiển thị "Số giấy tờ đã được cấp MST";

+ Chưa cấp MST: Hiển thị để NNT chọn đối tượng ĐKT lần đầu.

- Bước 4: Cổng TTĐT của Tổng cục Thuế truy cập vào CSDLQG về dân cư để truy vấn thông tin cá nhân và trả kết quả:

+ Không có dữ liệu: Thông báo "Thông tin cá nhân tại CSDLQG về dân cư không đầy đủ/không hợp lệ". Trường hợp NNT nhập đúng thông tin nhưng không có dữ liệu thì đến cơ quan công an cập nhật.

+ Có dữ liệu đầy đủ: Hiển thị thông tin mẫu 05-ĐK-TCT, thực hiện bước 5.

- Bước 5: NNT kiểm tra thông tin mẫu 05-ĐK-TCT và bổ sung thông tin thiếu.

+ Nếu thông tin trên tờ khai khớp với thông tin cá nhân chuyển bước 6.

+ Nếu thông tin không khớp thì báo: "NNT không nộp hồ sơ đến cơ quan thuế và liên hệ cơ quan cấp xã/phường nơi cá nhân đăng ký thường trú để được hướng dẫn điều chỉnh thông tin".

- Bước 6: Cổng TTĐT của Tổng cục Thuế kiểm tra các quy tắc nghiệp vụ về thông tin nhận từ CSDLQG về dân cư và thông tin NNT kê khai hồ sơ.

- Bước 7: Cổng TTĐT của Tổng cục Thuế lưu hồ sơ và tự động chuyển thông tin vào hệ thống TMS ngay khi nộp hồ sơ đăng ký thành công

6. Thông tư 05/2022/TT-BLĐTBXH - Bổ sung quy định về hợp đồng liên kết đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp

Thông tư 05/2022/TT-BLĐTBXH quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp, có hiệu lực từ ngày 20/5/2022 và thay thế Thông tư 29/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2017.

Theo đó, hợp đồng liên kết đào tạo quy định cụ thể về các nội dung thực hiện liên kết đào tạo; quyền, trách nhiệm của đơn vị chủ trì và đơn vị phối hợp liên kết đào tạo. Nội dung hợp đồng liên kết đào tạo bao gồm những nội dung chính sau:

- Tên ngành nghề, trình độ đào tạo hoặc nội dung đào tạo; thời gian, địa điểm đào tạo, quy mô và hình thức liên kết đào tạo.

- Chương trình đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng về cơ sở vật chất, thiết bị cho đào tạo.

- Kế hoạch và tiến độ đào tạo. Trường hợp đơn vị phối hợp liên kết đào tạo là doanh nghiệp cần ghi rõ địa điểm, thời gian đào tạo tại doanh nghiệp, thời gian đào tạo tại đơn vị chủ trì liên kết đào tạo.

- Nhà giáo tham gia giảng dạy, hướng dẫn; chế độ hoặc tiền lương cho nhà giáo và người học nếu làm ra sản phẩm đạt quy cách trong quá trình thực hành, thực tập (nếu có).

- Thời hạn thực hiện của hợp đồng liên kết đào tạo.

- Quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên tham gia liên kết đào tạo.

- Tài chính thực hiện hợp đồng liên kết đào tạo.

- Các nội dung khác có liên quan.