BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 02 - THÁNG 11/2018

06:14 | 03/12/2018

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 02 - THÁNG 11/2018          

1.         Tất cả cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, thu nhập

Ngày 20/11/2018, Quốc hội thông qua Luật phòng, chống tham nhũng 2018 quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Theo đó, quy định về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản và thu nhập cụ thể như sau:
- Cán bộ, công chức (trước đây chỉ quy định một số đối tượng cụ thể, không phải tất cả);
- Sĩ quan công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp;
- Người giữ chức vụ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, (“DNNN”), người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
 - Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Phương thức, thời điểm kê khai tài sản, thu nhập của các đối tượng nêu trên thực hiện theo quy định tại Điều 36 Luật này.

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/07/2019.

2.         Sửa đổi, bổ sung toàn bộ nội dung chương IV Luật đất đai

Ngày 20/11/2018, Quốc hội chính thức thông qua Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch. Theo đó, sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng về Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại chương IV Luật Đất đai, đơn cử như:

- Bổ sung nội dung “Tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất quốc gia là từ 30 năm đến 50 năm và cấp huyện là từ 20 năm đến 30 năm”;

- Sửa đổi căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia, đất cấp tỉnh, đất cấp huyện, đất quốc phòng, đất an ninh;

- Việc công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (quy định hiện hành cho thời hạn là 30 ngày);
- Quy định mới việc giải quyết phát sinh về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kể từ ngày 01/01/2019;…

Ngoài ra, Luật này bỏ từ “quy hoạch” tại các điều, khoản, điểm của các luật sau đây:
- Khoản 1 Điều 69; Điểm a Khoản 1 Điều 70 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
- Điểm a Khoản 2 Điều 38 Luật Dầu khí;

- Khoản 2 Điều 235 Bộ luật Lao động;

- Khoản 1 Điều 10 Luật Bảo hiểm xã hội;

- Khoản 2 Điều 6 Luật Bảo hiểm y tế;

- Khoản 1 Điều 58 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm;

- Khoản 1 Điều 48 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.

3.         Trình tự thanh tra lao động, an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đột xuất vào ban đêm

Thông tư 20/2018/TT-BLĐTBXH hướng dẫn cơ chế phối hợp trong việc thực hiện thanh tra chuyên ngành lao động, an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) vào ban đêm, ngoài giờ hành chính được ban hành ngày 26/11/2018. Theo đó, trình tự thanh tra lao động, ATVSLĐ đột xuất tại nơi làm việc xảy ra vào ban đêm, ngoài giờ hành chính được thực hiện như sau:

- Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH hoặc Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thông báo đến đơn vị làm đầu mối tại các cơ quan chức năng có liên quan để xác nhận việc tham gia đoàn thanh tra;
- Các cơ quan chức năng có liên quan biết có hành vi vi phạm và đề nghị cử người tham gia đoàn thanh tra;

- Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH hoặc Giám đốc Sở LĐ-TB&XH hoặc Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH nơi xảy ra vụ việc ban hành Quyết định thanh tra;

- Trưởng đoàn thanh tra phải công bố Quyết định thanh tra, đồng thời triển khai thanh tra tại nơi xảy ra vi phạm;

- Thực hiện hoặc kiến nghị thực hiện các biện pháp xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.