BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 02 - THÁNG 02/2025
17:13 | 20/02/2025
BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 02 - THÁNG 02/2025
(TỪ NGÀY 05.02.2025 – 20.02.2025)
VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
1. Nghị định 17/2025/NĐ-CP - Quy trình, thủ tục quyết định áp dụng lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt
Chính phủ ban hành Nghị định 17/2025/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023, có hiệu lực từ ngày 06/02/2025.
Theo đó, Nghị định 17/2025/NĐ-CP đã bổ sung Điều 44b vào Nghị định 115/2024/NĐ-CP về quy trình, thủ tục quyết định áp dụng lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt như sau:
- Căn cứ yêu cầu thực hiện dự án, chỉ đạo tại Nghị quyết, Kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước (đối với dự án quy định tại khoản 1 Điều 44a Nghị định 115/2024/NĐ-CP (bổ sung tại Nghị định 17/2025/NĐ-CP)) hoặc chỉ đạo tại Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định, Chỉ thị, văn bản thông báo ý kiến của lãnh đạo Chính phủ (đối với dự án quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 44a Nghị định 115/2024/NĐ-CP (bổ sung tại Nghị định 17/2025/NĐ-CP)), người có thẩm quyền giao cơ quan, đơn vị trực thuộc, cơ quan chuyên môn lập hồ sơ đề nghị áp dụng lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Hồ sơ gồm các tài liệu sau đây:
+ Tờ trình đề nghị áp dụng lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, gồm các nội dung sau: Thông tin cơ bản của dự án; giải trình về sự cần thiết và lý do phải áp dụng lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt; thuyết minh phương án lựa chọn nhà đầu tư gồm các nội dung chủ yếu về quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, điều kiện ký kết hợp đồng và các nội dung liên quan khác để đáp ứng các điều kiện đặc thù của dự án; đề xuất và kiến nghị;
+ Dự thảo quyết định áp dụng lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, gồm các nội dung theo quy định tại khoản 5 Điều 44b Nghị định 115/2024/NĐ-CP (bổ sung tại Nghị định 17/2025/NĐ-CP);
+ Các văn bản, tài liệu pháp lý có liên quan.
- Cơ quan có thẩm quyền có văn bản lấy ý kiến các bộ, cơ quan có liên quan về sự cần thiết và lý do phải áp dụng lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, trong đó gồm:
+ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đối với dự án quy định tại khoản 2 Điều 44a Nghị định 115/2024/NĐ-CP (bổ sung tại Nghị định 17/2025/NĐ-CP);
+ Các bộ, cơ quan có liên quan đối với dự án quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 44a Nghị định 115/2024/NĐ-CP (bổ sung tại Nghị định 17/2025/NĐ-CP) (nếu cần).
- Cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến về sự cần thiết và lý do phải áp dụng lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt gửi cơ quan có thẩm quyền.
- Người có thẩm quyền giao một cơ quan, đơn vị độc lập với cơ quan, đơn vị quy định tại khoản 1 Điều 44b Nghị định 115/2024/NĐ-CP (bổ sung tại Nghị định 17/2025/NĐ-CP) tổng hợp ý kiến của các cơ quan liên quan và tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị áp dụng lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Báo cáo thẩm định gồm các nội dung sau:
+ Đánh giá về sự cần thiết, lý do áp dụng lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 34a Luật Đấu thầu 2023 (bổ sung 2024);
+ Ý kiến về phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt và dự thảo quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp kiến nghị chấp thuận;
+ Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc không chấp thuận việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.
- Căn cứ hồ sơ đề nghị, báo cáo thẩm định, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định chấp thuận hoặc không chấp thuận áp dụng lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Quyết định của cơ quan có thẩm quyền gồm các nội dung sau:
+ Chấp thuận áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt;
+ Phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, gồm các nội dung sau: Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư và bảng theo dõi tiến độ thực hiện các hoạt động lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Điều 12 Nghị định 115/2024/NĐ-CP; điều kiện ký kết, thực hiện hợp đồng; các nội dung liên quan khác để đáp ứng các yêu cầu, điều kiện đặc thù của dự án, bảo đảm lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm, giải pháp thực hiện dự án bảo đảm hiệu quả phương án đầu tư kinh doanh, hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương;
+ Trách nhiệm của bên mời thầu và các cơ quan liên quan trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà đầu tư;
+ Các yêu cầu khác trong quá trình triển khai thực hiện dự án (nếu có).
- Bên mời thầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo phương án được phê duyệt. Căn cứ kết quả lựa chọn nhà đầu tư và hợp đồng dự án được ký kết, việc triển khai thực hiện dự án đầu tư kinh doanh theo quy định tại Chương VI Nghị định 115/2024/NĐ-CP.
2. Thông tư 86/2024/TT-BTC - Quy định về đăng ký thuế từ ngày 06/02/2025
Thông tư 86/2024/TT-BTC quy định về đăng ký thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, theo đó quy định về đối tượng đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế, cấu trúc mã số thuế theo quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 30 Luật Quản lý thuế; thủ tục về đăng ký thuế theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật Quản lý thuế và biện pháp thực hiện chức năng quản lý thuế đối với đăng ký thuế, có hiệu lực từ ngày 06/02/2025 thay thế Thông tư 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký thuế, trừ trường hợp mã số thuế do cơ quan thuế cấp cho cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh được thực hiện đến hết ngày 30/6/2025.
Kể từ ngày 01/7/2025, người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc sử dụng mã số thuế theo quy định tại Điều 35 Luật Quản lý thuế thực hiện sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế.
Trường hợp các văn bản đã dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.
3. Nghị định 19/2025/NĐ-CP - Lĩnh vực áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt từ 10/02/2025
Chính phủ ban hành Nghị định 19/2025/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư 2020 về thủ tục đầu tư đặc biệt, trong đó có quy định thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, có hiệu lực từ ngày 10/02/2025.
Theo đó, lĩnh vực áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 36a Luật Đầu tư 2020 (sửa đổi, bổ sung năm 2024), cụ thể:
Trừ các dự án đầu tư quy định tại Điều 30 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư được quyền lựa chọn đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều này đối với các dự án tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu thương mại tự do và khu chức năng trong khu kinh tế trong các lĩnh vực sau đây:
- Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, vật liệu bán dẫn;
- Đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Mục tiêu hoạt động của dự án đầu tư áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt theo Nghị định này phải thuộc lĩnh vực quy định tại khoản này.
Dự án đầu tư tại khu công nghệ cao phải đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí đối với dự án thực hiện hoạt động công nghệ cao theo Luật Công nghệ cao 2008 và quy định của Chính phủ về khu công nghệ cao.
4. Nghị định 22/2025/NĐ-CP - Sửa đổi tiêu chí đánh giá thực hiện quy hoạch theo định kỳ 05 năm từ 11/02/2025
Chính phủ ban hành Nghị định 22/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 37/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quy hoạch đã được sửa đổi theo Nghị định 58/2023/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 11/02/2025.
Theo đó, sửa đổi tiêu chí đánh giá thực hiện quy hoạch theo định kỳ 05 năm như sau:
- Đánh giá tình hình thực hiện định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia; phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội trong quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng; phương án phát triển các ngành, lĩnh vực và tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội trong quy hoạch tỉnh.
- Đánh giá tình hình thực hiện các dự án theo các nội dung sau:
+ Danh mục các dự án đã và đang triển khai thực hiện;
+ Danh mục dự kiến các dự án quan trọng, dự án ưu tiên trong thời kỳ quy hoạch chưa triển khai thực hiện; nguyên nhân.
- Đánh giá tình hình thực hiện định hướng, phương hướng, phương án phát triển hệ thống đô thị và nông thôn, phát triển các khu chức năng (nếu có).
- Đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu và hiệu quả sử dụng đất (nếu có).
- Đánh giá tình hình sử dụng tài nguyên, kết quả công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu (nếu có).
- Đánh giá tình hình huy động nguồn lực để thực hiện quy hoạch.
- Đánh giá việc ban hành và thực hiện các cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện quy hoạch.
- Đánh giá chung kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu quy hoạch; những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả thực hiện quy hoạch; đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện quy hoạch; kiến nghị điều chỉnh quy hoạch (nếu có).
5. Quyết định 395/QĐ-BTNMT - Trình tự thực hiện thủ tục lập, điều chỉnh, thẩm định, quyết định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất quốc gia cấp trung ương
Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định 395/QĐ-BTNMT năm 2025 về việc thay thế thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có hiệu lực từ ngày 11/02/2025.
Theo đó, căn cứ tiểu mục 1 Mục A Phần II Phụ lục kèm theo Quyết định 395/QĐ-BTNMT năm 2025 quy định về trình tự thực hiện thủ tục lập, điều chỉnh, thẩm định, quyết định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất quốc gia cấp trung ương như sau:
Trình tự thực hiện:
- Bước 1:
Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ thành lập, điều chỉnh Hội đồng thẩm định kế hoạch sử dụng đất quốc gia.
- Bước 2:
Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi hồ sơ kế hoạch sử dụng đất quốc gia, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất quốc gia đến các thành viên của Hội đồng thẩm định kế hoạch sử dụng đất quốc gia, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất quốc gia để lấy ý kiến.
- Bước 3: Việc lấy ý kiến kế hoạch sử dụng đất quốc gia, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất quốc gia được thực hiện theo quy định sau đây:
(1) Đối tượng lấy ý kiến về kế hoạch sử dụng đất quốc gia, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất quốc gia gồm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
(2) Nội dung dự thảo kế hoạch sử dụng đất quốc gia, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất quốc gia được lấy ý kiến, trừ những nội dung liên quan đến bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.
(3) Việc lấy ý kiến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan về kế hoạch sử dụng đất quốc gia, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất quốc gia được thực hiện như sau:
+ Cơ quan lập, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất quốc gia gửi hồ sơ về kế hoạch sử dụng đất quốc gia, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất quốc gia để lấy ý kiến;
+ Các cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày tính từ ngày nhận được hồ sơ về kế hoạch sử dụng đất quốc gia, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất quốc gia.
(4). Cơ quan lập, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất quốc gia có trách nhiệm tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến trước khi trình thẩm định kế hoạch sử dụng đất quốc gia, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất quốc gia.
- Bước 4:
Trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, các thành viên Hội đồng thẩm định kế hoạch sử dụng đất quốc gia, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất quốc gia gửi ý kiến góp ý bằng văn bản đến Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Bước 5:
Sau khi lấy ý kiến góp ý, Chủ tịch Hội đồng tổ chức họp Hội đồng thẩm định kế hoạch sử dụng đất quốc gia, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất quốc gia.
- Bước 6:
Sau khi họp Hội đồng thẩm định, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn chỉnh hồ sơ kế hoạch sử dụng đất quốc gia, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất quốc gia trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất quốc gia, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất quốc gia.
Cách thức thực hiện: theo quy định tại Thông tư 29/2024/TTBTNMT ngày 12/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật về lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
6. Quyết định 270/QĐ-TTg - Phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Thủ tướng đã ban hành Quyết định 270/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có hiệu lực từ ngày 13/02/2025.
Theo đó, ưu tiên phát triển công nghiệp hóa dược là ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao, có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị ngành dược phẩm và hóa chất toàn cầu, có tác động lan tỏa cao đến một số ngành kinh tế khác.
Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm hóa dược thiên nhiên của Việt Nam gắn liền với quy hoạch và đầu tư phát triển vùng dược liệu để hình thành các chuỗi giá trị ngành dược phẩm.
Đồng thời, tăng cường thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong nước và các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia để phát triển ngành công nghiệp hóa dược Việt Nam, trong đó định hướng các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia đầu tư sản xuất các sản phẩm hóa dược theo phương pháp tổng hợp hóa học, các doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất các sản phẩm hóa dược thiên nhiên.
Trong đó, mục tiêu của Chương trình là phát triển ngành công nghiệp hóa dược, nâng dần tỷ lệ sản xuất và sử dụng nguyên liệu làm thuốc trong nước và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm hóa dược.
Đồng thời, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành hóa chất Việt Nam; Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước và Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, đến năm 2030, phấn đấu đạt 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc; đáp ứng 50% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thực phẩm chức năng và dược mỹ phẩm trong nước. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu một số sản phẩm hóa dược thiên nhiên (dược chất, cao định lượng, tinh dầu giàu hoạt chất) trên 10%/năm.
Đến năm 2045, công nghiệp hóa dược của Việt Nam trở thành ngành công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, có sức cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị ngành dược phẩm toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp ngành hóa dược đạt 8 - 11%/năm.
7. Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT - Quy định mới về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường từ 14/02/2025
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm, có hiệu lực từ 14/02/2025.
Trong đó, việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường phải tuân thủ các quy định sau:
- Tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (sau đây gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải thực hiện các yêu cầu sau:
+ Đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật;
+ Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm (theo Mẫu số 02 tại Phụ lục kèm theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT).
- Người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.
- Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng) về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm (theo Mẫu số 03 tại Phụ lục kèm theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT).
8. Quyết định 80/QĐ-BKHCN - 15 thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ từ 15/02/2025
Ngày 21/01/2025, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định 80/QĐ-BKHCN công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ, có hiệu lực từ ngày 15/02/2025.
Trong đó có 15 thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung bao gồm:
- Thủ tục đăng ký thực hiện đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ
- Thủ tục đăng ký thực hiện đề tài đột xuất có ý nghĩa quan trọng về khoa học và thực tiễn do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ
- Thủ tục đăng ký nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiềm năng do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ
- Thủ tục đăng ký tham dự và báo cáo kết quả nghiên cứu tại hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia hỗ trợ
- Thủ tục đăng ký sau tiến sĩ tại Việt Nam do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia hỗ trợ
- Thủ tục đăng ký Thực tập, nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia hỗ trợ
- Thủ tục đăng ký Tổ chức hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành ở Việt Nam do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia hỗ trợ
- Thủ tục đăng ký Công bố công trình khoa học công nghệ trong nước và quốc tế do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia hỗ trợ
- Thủ tục đăng ký Nâng cao chất lượng, chuẩn mực của tạp chí khoa học và công nghệ trong nước do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia hỗ trợ
- Thủ tục Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước và nước ngoài đối với sáng chế và giống cây trồng do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia hỗ trợ
- Thủ tục đăng ký Hỗ trợ nhà khoa học trẻ tài năng được sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm khác do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia hỗ trợ
- Thủ tục đăng ký thực hiện đề tài nghiên cứu ứng dụng do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ
-Thủ tục điều chỉnh trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu ứng dụng do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ
- Thủ tục đề nghị chấm dứt hợp đồng trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu ứng dụng do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ (trường hợp tổ chức chủ trì đề tài đề xuất chấm dứt hợp đồng)
- Thủ tục đánh giá nghiệm thu và công nhận kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu ứng dụng do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ)
9. Nghị quyết 176/2025/QH15 - Cơ cấu tổ chức của Chính phủ từ ngày 01/3/2025
Quốc hội thông qua Nghị quyết 176/2025/QH15 về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, có hiệu lực từ ngày 18/2/2025 và thay thế Nghị quyết 08/2021/QH15.
Theo đó, cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV chính thức hoạt động từ ngày 01/3/2025 gồm 14 Bộ và 03 cơ quan ngang Bộ:
- Bộ Quốc phòng;
- Bộ Công an;
- Bộ Ngoại giao;
- Bộ Nội vụ;
- Bộ Tư pháp;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Công Thương;
- Bộ Nông nghiệp và Môi trường;
- Bộ Xây dựng;
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Bộ Y tế;
- Bộ Dân tộc và Tôn giáo;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Thanh tra Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ thuộc cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo Nghị quyết 08/2021/QH15 của Quốc hội tiếp tục hoạt động cho đến hết ngày 28 tháng 02 năm 2025.
Các tin khác